Ấn Độ dự định đánh thuế các giao dịch tiền điện tử và chuẩn bị ra mắt đồng CBDC trong giai đoạn từ năm 2022 – 2023.
Ấn Độ sẽ đánh thuế 30% các giao dịch tài sản kỹ thuật số ảo
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman mới đây đã công bố mức thuế 30% đối với bất kỳ khoản thu nhập nào từ việc chuyển nhượng tài sản kỹ thuật số ảo. Theo bà, Ấn Độ đã chứng kiến một sự gia tăng đáng kinh ngạc trong giao dịch tài sản kỹ thuật số ảo. Quy mô và tần suất của những giao dịch này khiến cho việc đưa ra một chế độ thuế cụ thể là điều cấp thiết. Mặc dù quy định này chưa được ban hành và cần phải có thời gian thông qua các bên liên quan nhưng có thể việc đánh thuế này sẽ không cần phải đợi quy định được thông qua. Nhiều người tin tưởng rằng đây là cách để Ấn Độ hợp pháp hóa lĩnh vực tiền điện tử.
Tuy nhiên, có một lưu ý ở đây là các từ tiền điện tử không được bà Sitharaman nhắc đến. Thay vào đó bà sử dụng cụm từ “tài sản kỹ thuật số ảo“. Điều này có nghĩa là các loại tiền điện tử hay NFT sẽ được xem như là một loại tài sản, và việc giao dịch tài sản sẽ chịu thuế. Chỉ khác là dường như mức thuế 30% mà Ấn Độ đang dự tính áp dụng dường như có vẻ quá cao.
Thậm chí, với mức thuế cao như vậy có thể phần nào hạn chế các nhà đầu tư, khiến họ bán tiền điện tử để đổ sang chứng khoán. Hiện tại, các ước tính trong ngành cho thấy có 15 triệu đến 20 triệu nhà đầu tư tiền điện tử ở Ấn Độ, với tổng số tiền nắm giữ khoảng 400 tỷ rupee (5.37 tỷ USD). Động thái này có thể kìm hãm sự phát triển của thị trường, như một cách để dọn đường cho CBDC.
Ấn Độ có thể ra mắt CBDC trong năm 2022 – 2023
Hệ sinh thái tiền điện tử của Ấn Độ có một số yêu cầu bao gồm phân loại tiền điện tử, rõ ràng về thuế và khuôn khổ tự quản lý được định hình bởi ngành công nghiệp tiền điện tử. Trong khi sự rõ ràng về thuế đã xuất hiện, việc phân loại tiền điện tử chính thức vẫn đang được chờ đợi. Trước đây, Chính phủ Ấn Độ đã cho biết họ tìm cách cấm tất cả các loại tiền điện tử nhưng sẽ cho phép một số ngoại lệ nhất định để thúc đẩy công nghệ cơ bản. Nhưng với mức thuế 30% thì việc thúc đẩy các công nghệ cơ bản này sẽ gặp nhiều rào cản. Cộng với việc bà Sitharaman cho biết sẽ có một đồng rupee kỹ thuật số sẽ được phát hành bằng cách sử dụng blockchain và các công nghệ khác, điều này càng khiến cho giả thuyết trên trở thành hiện thực hơn.
Như vậy, một mặt, Ấn Độ vẫn có thể tận dụng thời cơ thu thuế trong lĩnh vực tiền điện tử. Mặt khác, họ vẫn có thời gian để chuẩn bị cho sự ra mắt của CBDC vào năm 2022 – 2023. Bạn nghĩ sao về động thái này của Chính phủ Ấn Độ? Hãy cùng chúng tôi trao đổi về chủ đề này trong nhóm Telegram của BeInCrypto nhé.
- Xem thêm: Các tin tức mới nhất về CBDC toàn cầu
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.