Trong bối cảnh thế giới phân cực, khối BRICS được nhắc đến nhiều hơn, được nhấn mạnh về tầm ảnh hưởng cả kinh tế và chính trị ngày càng lớn dần. Các quốc gia trong khối BRICS đang có thái độ ra sao với Bitcoin và tiền mã hóa nói chung?
Sau đây là những tổng hợp và ghi nhận từ BeInCrypto về thái độ của chính phủ và người dân đối với Bitcoin tại các quốc gia thuộc BRICS, từ đó đưa ra dự đoán cho tương lai.
Xem thêm: 6 nền kinh tế lớn nào đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la?
Giao dịch Bitcoin và Crypto ra sao tại những quốc gia chính của khối BRICS?
Khối BRICS ban đầu bao gồm 5 quốc gia là những nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới là Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi. 5 quốc gia này đã chiếm đến 41% dân số thế giới và 26% GDP toàn cầu. Hiện tại, tình hình đầu tư Bitcoin tại các quốc gia này có nhiều khác biệt, cho thấy thái độ khác nhau giữa các quốc gia trong khối đối với BTC.
#1. Nga
Một trong những bước tiến lớn của Nga trong việc chấp nhận Crypto đó là vào ngày 8/8 vừa qua, tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật về tiền số, theo đó hợp pháp hóa các hoạt động khai thác tiền số ở nước này từ ngày 1/11/2024. Nga hiện đang là quốc gia dẫn đầu về khối lượng giao dịch Crypto tại Châu Âu với dự kiến đạt 633 tỷ USD năm 2024, theo Coinwire.
Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn trong lập trường trước đó của chính phủ Nga đối với Crypto. Vào tháng 7/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một dự luật cấm sử dụng tài sản kỹ thuật số, như tiền điện tử và NFT, để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.
Nikita Chaplin, thành viên Ủy ban Thuế và Ngân sách của Duma Quốc gia cho biết việc hợp pháp hóa khai thác Bitcoin sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của các hoạt động khai thác trái phép và các hành vi phạm tội liên quan. Tuy nhiên, VTV dẫn lời tờ Quan điểm (của Nga), cho rằng Nga đang hợp pháp hóa tiền mã hóa để lách các lệnh trừng phạt, điều này là một phần trong nỗ lực phi đô la hóa trong khối BRICS.
Nhiều phân tích đi xa hơn cho rằng, sự thay đổi quan điểm của Nga có thể tạo phản ứng dây chuyền, khiến cho các quốc gia khác cũng có thể xem xét lại lập trường về Bitcoin và Crypto.
#2. Trung Quốc
Trung Quốc đến nay vẫn giữ lập trường cứng nhắc với Bitcoin và tiền mã hóa nói chung. Trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc liên tục ban hành các lệnh cấm liên quan đến Crypto, như cấm ngân hàng giao dịch Bitcoin, cấm đào Bitcoin, cấm ICO, cấm giao dịch và khai thác…
Tuy nhiên, nếu truy cập Binance P2P, người dùng vẫn thấy tùy chọn giao dịch P2P bằng nhân dân tệ (CNY) thông qua các kênh thanh toán như WeChat hay Alipay. Các trang web sàn giao dịch crypto bị chặn ở Trung Quốc, nhưng nhà giao dịch vẫn làm được điều này là nhờ sử dụng VPN. Tương tự việc truy cập các trang web bị chặn khác như Facebook, Google… người dùng internet ở Trung Quốc xem việc sử dụng VPN như một kỹ năng cần thiết.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có động thái nới lỏng nào trong các lệnh cấm liên quan đến Crypto. Dầu vậy, hoạt động giao dịch Crypto tại Trung Quốc vẫn diễn ra với các công cụ “vượt tường lửa”, và lệnh cấm không phải luôn rõ ràng và hiệu quả.
VNeconomy dẫn lời của Robin Hui Huang – giáo sư luật tại Đại học Trung Quốc – chia sẻ: “Mọi người có thể nắm giữ tiền mã hóa ở Trung Quốc. Họ cũng có thể trao đổi tiền mã hóa để lấy các tài sản khác, nhưng các giao dịch như vậy không được pháp luật bảo vệ, nghĩa là nếu bên kia vi phạm hợp đồng, sẽ không có biện pháp bảo vệ pháp lý nào được áp dụng.”. Tình trạng này khá tương đồng với giao dịch Crypto ở Việt Nam.
Mặc dù bị cấm, nhưng báo cáo của Reuters hồi đầu năm 2024 cho biết, khối lượng giao dịch Crypto ở Trung Quốc năm 2023 là 86.4 tỷ USD, vượt mức 64 tỷ USD của Hồng Kông trong cùng kỳ.
#3. Brazil
Một báo cáo mới đây của Coinwire cho thấy những con số ấn tượng về thị trường giao dịch Crypto ở Brazil. Theo báo cáo này, trong khối Nam Mỹ, Brazil là quốc gia có khối lượng giao dịch tiền mã hóa dẫn đầu với dự kiến sẽ vượt 354 tỷ USD trong năm 2024.
Báo cáo nhận xét, sự gia tăng về khối lượng nhấn mạnh vị trí thống trị của Brazil trong thị trường tiền mã hóa của khu vực Nam Mỹ, là kết quả của việc áp dụng ngày càng tăng và môi trường pháp lý hỗ trợ. Báo cáo cũng cho biết khối lượng giao dịch trên mỗi người dùng là 137 USD/tháng, chiếm khoản 32.7% mức lương trung bình tháng.
Từ 2017, Bitcoin không được quy định và không được khuyến khích ở Brazil. Nhưng đến 2021, quốc gia này cho phép mua hàng bằng Bitcoin. Đến 2023, quốc gia này đã chuyển sang ủng hộ tiền mã hóa, đưa ra các quy định về thuế thu nhập, cho phép đánh thuế 15% đối với lợi nhuận từ tiền mã hóa. Cơ quan quản lý cũng cho phép giao dịch các hợp đồng tương lai Bitcoin.
Kaiko cho biết, khối lượng giao dịch tiền mã hóa bằng BRL đạt 6 tỷ USD từ tháng 1 đến đầu tháng 5/2024. Sở thích của người Brazil đối với stablecoin vượt qua Altcoin và Bitcoin. Gần một nửa số giao dịch bằng BRL liên quan đến stablecoin. Trong khối BRICS, có thể nói Brazil là quốc gia cởi mở từ sớm với crypto nhất.
#4. Ấn Độ
Nếu Việt Nam xếp thứ 3 về số lượng người nắm giữ crypto hàng đầu thế giới 2023 (theo Crypto Crunch App), thì Ấn Độ dẫn đầu thế giới với hơn 157 triệu người. Trong giai đoạn 2017 – 2018, chính phủ Ấn Độ từng lên tiếng cảnh báo về hoạt động đầu tư tiền mã hóa, nhưng điều đó không ngăn được nhà đầu tư Ấn Độ tiếp xúc với tài sản mới này.
Theo Chainalysis, Ấn Độ đứng đầu về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu. Theo báo cáo Web3 tại Ấn Độ của NASSCOM năm 2022, quốc gia này hiện có hơn 450 công ty khởi nghiệp Web3 và đã nhận được khoản đầu tư hơn 1,5 tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2022. Báo cáo cho biết 11% nhân tài Web3 toàn cầu tập trung tại đây và Ấn Độ đứng thứ ba trên toàn cầu.
The Block báo cáo, Ấn Độ đã là thị trường tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới bất chấp môi trường pháp lý và thuế khó khăn, tổng khối lượng giao dịch từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023 là khoảng 269 tỷ USD.
Gần đây, nhiều tin tức trong nước đã nhấn mạnh việc Ấn Độ sẽ sớm có chính sách mới về Bitcoin và Crypto. Tuy nhiên, nội bộ nước này chia thành 2 nhóm đối lập, Ủy ban Chứng khoán Ấn Độ (SEBI) ủng hộ và muốn hợp pháp hóa và xây dựng bộ khung quản lý Crypto, nhưng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) muốn cấm hẳn Crypto và stablecoin, vì chúng gây ra rủi ro, bất ổn nền kinh tế. Một số dự đoán cho rằng, trong những tháng tới của năm 2024, Ấn Độ sẽ sớm cho chính sách mới rõ ràng lập trường hơn.
#5. Nam Phi
Báo cáo của Hootsuite cho biết, năm 2019, khi thị trường Crypto vẫn còn non trẻ, Nam Phi có tỷ lệ người sở hữu tiền mã hóa cao nhất thế giới. Dĩ nhiên hiện tại không còn như vậy nữa, nhưng nó cho thấy sức hút của Crypto đối với quốc gia này từ rất sớm.
Báo cáo mới nhất của Coinwire cho biết, Nigeria và Nam Phi là hai quốc gia dẫn đầu về khối lượng giao dịch Crypto tại Châu Phi với lần lượt là 244 tỷ USD và 91 tỷ USD trong năm 2024.
Theo Bloomberg, hồi tháng 3/2024, Cơ quan quản lý tài chính Nam Phi đã trao giấy phép cho 60 công ty tiền mã hóa trong tổng số 300 đơn đăng ký được nộp. Đây là động thái cho thấy chính phủ nước này tạo cơ hội cho thị trường phát triển chứ không cấm hẳn. Hồi tháng 4/2024, sàn giao dịch tiền mã hóa VALR cũng đã có được giấy phép Nam Phi.
Một vài dự đoán táo bạo về ảnh hưởng của BRICS đối với Bitcoin và Crypto
Có thể thấy, tất cả các quốc gia chính trong khối BRICS đều là những quốc gia mà người dân rất nhiệt thành với Bitcoin và Crypto, dù cấm hay không cấm. Với sự thay đổi lập trường của Nga, “vùng xám” của Trung Quốc, và khuynh hướng nghiêng về việc điều chỉnh và quản lý (không cấm) của các quốc gia còn lại, thì khối BRICS có khả năng sẽ đồng quan điểm chấp nhận tiền mã hóa trong tương lai gần. Dự đoán này là lời đảm bảo gián tiếp cho sự tồn tại và phát triển của thị trường Crypto lâu dài.
Động lực đằng sau việc chấp nhận giao dịch và có cơ chế pháp lý rõ ràng có thể đến từ lý do ổn định việc quản lý, tránh rửa tiền, thu thuế. Để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, BRICS có thể sớm xây dựng một hệ thống thanh toán riêng có áp dụng công nghệ blockchain. Kế hoạch này cũng đã được tiết lộ bởi hàng thông tấn Nga hồi tháng 3. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Bitcoin hay một đồng tiền mã hóa nào đó có cơ hội trở thành một phương tiện thanh toán của khối.
Nhưng rất có thể, một viễn cảnh không xa, các quốc gia khối BRICS có thể giao dịch Crypto bằng chính đồng tiền stablecoin chung của khối.
Tham gia Cộng đồng BeInCrypto trên Telegram để tìm hiểu về các bài phân tích kỹ thuật, thảo luận về tiền mã hóa và nhận câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của bạn từ các chuyên gia và nhà giao dịch chuyên nghiệp của chúng tôi nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.