Bạn đã nghĩ về chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong metaverse chưa? Gunnar Jaerv, COO của First Digital Trust, sẽ chia sẻ với các bạn nhiều điều cần chuẩn bị để thực hiện việc này.
Kể từ khi Facebook đổi tên thành Meta, khái niệm metaverse đã được nhiều người quan tâm hơn và trở thành một phần của cuộc sống. Tuyên bố của Mark Zuckerberg rằng metaverse là “chương tiếp theo của kỷ nguyên Internet” đã kích thích sự tò mò của các vị CEO và họ đặt câu hỏi: “Công ty của chúng ta trong Metaverse trông như thế nào?”.
JP Morgan trở thành ngân hàng đầu tiên tham gia metaverse và việc Microsoft mua lại Activision gần đây là những phát triển mới nhất trong xu hướng xây dựng doanh nghiệp trong metaverse. Xu hướng này đang xuất hiện trong giới những doanh nghiệp lớn như Snapchat, Amazon và Adidas. Các quốc gia cũng đang nhảy vào cuộc đua, với Hàn Quốc cam kết 186.7 triệu USD đầu tư cho việc tạo ra một hệ sinh thái tổng hợp quốc gia để kích thích tăng trưởng doanh nghiệp và các ngành công nghiệp.
Nhắc tới metaverse đa phần mọi người nghĩ tới hình ảnh đại diện 3D và tai nghe VR, tuy nhiên khả năng của metaverse còn rộng lớn hơn nữa giống như cái tên mang tầm vũ trụ của nó. Không có bất kỳ giới hạn nào, bất cứ ngành nghề nào cũng có thể tham gia vào vũ trụ ảo này.
Doanh nghiệp trong metaverse – Sự phát triển trong tương lai
Ngoài sự kết nối của nó tới các thuật ngữ tiền điện tử như NFT, blockchain và Web 3.0, metaverse có thể được mô tả rộng rãi như một sự phát triển trong tương lai của internet. Nó là một thế giới kết nối giữa thế giới thực và ảo tạo ra thế giới thực tế ảo. Tương tác xã hội sẽ được nâng cấp lên một cấp độ cao hơn, phong phú hơn những gì mà một mạng xã hội hiện đang cung cấp. Nói một cách triệt để hơn, nó là một thế giới phẳng theo đúng nghĩa, một thế giới mà tất cả mọi người trên thế giới có thể gặp và nhìn thấy nhau một cách trực quan, cùng chơi, sáng tạo và làm việc với nhau.
Metaverse đã sẵn sàng cho các doanh nghiệp, và các doanh nghiệp cũng cần sẵn sàng cho metaverse. Không ai có thể khẳng định liệu metaverse có thể phát huy hết tiềm năng của nó đối với các doanh nghiệp, hay liệu các doanh nghiệp có thể phát triển trong metaverse hay không. Dù là vế nào, thì câu trả lời cho những thắc mắc này là phải thử chúng ta mới biết được.
Mức độ tham gia vào metaverse của các doanh nghiệp hiện nay
Theo JP Morgan đánh giá, metaverse là một thị trường trị giá một nghìn tỷ USD. Nhưng chính xác thì con số này đến từ đâu? Khi các doanh nghiệp tham gia vào metaverse họ sẽ tạo ra thứ giá trị gì và giá trị đối với ai?
Trong ngành bán lẻ, hai gã khổng lồ thể thao là Adidas và Nike đã có những phương thức tiếp cận với metaverse của riêng họ. Đối với Adidas, sự gia nhập vào metaverse của họ được đánh dấu bằng mối quan hệ hợp tác với Bored Ape Yacht Club và tạo ra bộ sưu tập NFT đầu tiên của Adidas có tên là “Into the Metaverse:. Chủ sở hữu của các NFT này có quyền truy cập độc quyền vào các trải nghiệm khác nhau của Adidas và các sản phẩm vật lý cũng như ảo. Những trải nghiệm này bao gồm các thiết bị đeo ảo trong thế giới trò chơi blockchain của The Sandbox.
Còn với Nike, họ đã mua lại RTFKT Studios, đây là một công ty giày thể thao ảo. Thương vụ này đánh dấu sự đặt chân của hãng thể thao Nike với thế giới metaverse. Nike giờ đây có thể sản xuất các mẫu giày thể thao ảo, giúp công ty giảm giá vốn hàng bán và cải thiện lợi nhuận. Nike cũng đã cho ra mắt Nikeland hợp tác với nền tảng trò chơi, Roblox, để tổ chức các cuộc thi thông qua các trò chơi nhỏ và cung cấp các phòng trưng bày kỹ thuật số, theo đó người chơi có thể tùy chỉnh hình đại diện của họ với quần áo mang nhãn hiệu Nike.
Samsung, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc, đã mở một cửa hàng ảo trên metaverse Decentraland. Người dùng trên Decentraland có thể kiếm được NFT độc quyền bằng cách khám phá các nhiệm vụ thú vị và nhiều trải nghiệm khác nhau trong sân chơi trải nghiệm, bao gồm nhà hát ảo và bữa tiệc khiêu vũ với các DJ.
Cuộc chiến “phi tập trung” và “tập trung”
Điểm chung của những doanh nghiệp đã tham gia vào metaverse là cách tiếp cận xoay quanh trò chơi và giải trí. Bởi vì ban đầu, metaverse được quảng bá là một thế giới của những trò chơi, nâng cao khả năng tương tác và mang lại trải nghiệm chơi game sống động hơn. Tuy nhiên, tầm nhìn về metaverse đã được nâng cao hơn, giờ đây nó là thế giới của những nhà sáng tạo, và là một thị trường khách hàng tiềm năng của các doanh nghiệp.
Có quan điểm cho rằng thách thức lớn nhất của metaverse không phải là các nhà quản lý, mà là những gã khổng lồ công nghệ như Facebook. Các công ty lâu đời như Facebook đang tập trung một lượng lớn tài nguyên nhằm hướng tới sự phát triển vượt bậc. Họ đang làm điều đó thông qua một cách tiếp cận tập trung, giống như bộ máy web 2.0 mà chúng ta đang sử dụng ngày nay. Trong khi đó, những người tiên phong trong lĩnh vực metaverse đang đấu tranh cho lời hứa về những gì mà Internet ban đầu được hình thành. Đó là, một hệ thống mở, phi tập trung, nơi việc tạo ra giá trị và sự giàu có được chia sẻ với bất kỳ ai đóng góp vào nó.
Liệu đây là vấn đề nhận thức hay thực tế có thể được tranh luận. Bất kể đứng ở lập trường nào, điều quan trọng là tất cả những người chơi trong bối cảnh metaverse phải thừa nhận nhận thức ngày càng tăng này và thực hiện các bước để giải quyết nó.
Giá trị của các thương hiệu hiện có trong việc áp dụng metaverse
Metaverse nổi lên nhờ những ứng dụng công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối, NFT và AI… Với những công nghệ này, metaverse có thể làm được nhiều thứ như xác nhận quyền sở hữu, mạng phi tập trung, tài sản kỹ thuật số. Nó được điều chỉnh bởi một nguyên tắc tự tổ chức.
Những đặc điểm trên làm cho tính năng của metaverse trở nên sống động (ví dụ: nó có thể trở thành một văn phòng làm việc sinh động, hay trò chơi điện tử nhập vai). Những nhà phát triển metaverse sẽ phải xem xét tất cả các nhu cầu này để định hình đối tượng khách hàng của mình là ai và phát triển dự án theo cách cân bằng tốt nhất mong muốn của các cá nhân, tổ chức và xã hội.
Không có gì lạ khi các thương hiệu hiện tại và các công ty truyền thống coi metaverse là một con đường mới, để họ có thể khám phá giá trị hiện có của mình. Thay vì coi mối quan hệ hiện có giữa giá trị của thương hiệu và đối tượng của họ là mối đe dọa cần được thay thế, thì nó nên được coi là một lợi thế. Nó có thể được tận dụng để đưa khán giả hiện tại vào metaverse, thu hút họ thông qua trải nghiệm và hoạt động, đồng thời xây dựng các mối quan hệ mới thông qua những giá trị của metaverse.
Chiến lược Kinh doanh trong metaverse
Điều mà các doanh nghiệp nên cân nhắc là liệu chiến lược metaverse của họ có mang đến một sản phẩm độc đáo cho cộng đồng để lấp đầy khoảng trống hiện có hay không. Nó có cung cấp các hình thức tương tác mới với khách hàng không?
Những dự án sẽ thành công trong metaverse là những dự án có thể mang lại tiện ích không chỉ là những sản phẩm vật lý được số hoá. Ví dụ, một đặc điểm nổi bật của metaverse là khả năng tương tác. Điều này đề cập đến mức độ tự do được cung cấp cho các cá nhân, thương hiệu và người sáng tạo nội dung để di chuyển, khám phá và trải nghiệm.
Trong bối cảnh trò chơi, khả năng tương tác là khả năng sử dụng tài sản của một trò chơi này trong nhiều trò chơi khác. Tài sản là các token hay NFT của trò chơi. Người chơi có thể sử dụng các token này để giao dịch và di chuyển tài sản ảo của họ trên các nền tảng và trò chơi metaverse khác nhau. Đây là một cách để các doanh nghiệp gắn kết và kết nối trải nghiệm dựa trên cộng đồng với các dịch vụ truyền thống của họ.
Sử dụng sức mạnh của thương hiện sẽ là cách mà các doanh nghiệp tận dụng để tạo dựng giá trị cho công chúng trong metaverse.
Ý nghĩa xã hội và rủi ro của việc áp dụng metaverse
Ngoài cuộc tranh luận triết học về quyền sở hữu và quyền kiểm soát, điều quan trọng là phải xem xét các tác động thực tế của việc áp dụng metaverse. Sự hội tụ của văn hóa trực tuyến, kỹ thuật số và trải nghiệm chơi game minh họa cho một phiên bản metaverse hiện tại mở ra những khả năng mới. Nhưng cũng cần phải xem xét điều này có ý nghĩa như thế nào đối với một thế giới vốn đã dễ bị tổn thương bởi những rủi ro của quá trình mở rộng số hóa.
Phương tiện truyền thông xã hội được biết đến là nguyên nhân dẫn đến văn hóa so sánh của chúng ta và sự suy thoái tâm lý ở thanh thiếu niên nói riêng. Thế hệ mới chủ yếu lớn lên cùng với mạng xã hội. Đối với họ, metaverse có thể sẽ là một sự tiến hóa tự nhiên lên cấp độ tiếp theo của cuộc sống kỹ thuật số. Nhưng chúng ta không nên cho rằng quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra liền mạch.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy phong trào hướng tới một thế giới trực tuyến. Chúng ta đã học cách làm việc và giao tiếp thông qua màn hình của mình, nhưng nó không phải là không có chi phí. Vẫn cần kết nối trực tiếp. Có thể hữu ích hơn nếu coi metaverse như một cầu nối tạo điều kiện cho một số trải nghiệm nhất định mà không phải trả giá. Metaverse có thể phá vỡ các rào cản và giúp mọi người đạt được những trải nghiệm và những điều mà nếu thiếu nó có thể không khả thi. Nhưng nó không nên thay thế hoàn toàn cách mà chúng ta đang tương tác trong thế giới thực.
Tạo ra cầu nối và tích hợp
Metaverse vẫn còn sơ khai và có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời vào thời điểm này. Trong khi chúng ta có công nghệ, nhưng nó chỉ là các mảnh ghép kết hợp với nhau. Những người chọn tham gia có thể giúp định hình câu chuyện và bối cảnh của metaverse.
Có thể bảo vệ sự phát triển của metaverse khỏi một số khuynh hướng thể chế của các hệ thống tập trung hay không? Nếu làm được điều này, nó sẽ cho phép các doanh nghiệp thu lợi nhuận từ không gian này.
Vấn đề mà các doanh nghiệp cần quan tâm khi tham gia vào metaverse là xác định lĩnh vực mà tại đó họ có thể tận dụng giá trị của thương hiệu hiện có của mình. Điều này vừa tuân thủ các nguyên lý cốt lõi của metaverse, vừa tìm ra điểm chung. Những người có thể kết nối và tích hợp những gì tốt nhất của cả hai thế giới – cũ và mới – sẽ phát triển
Trusted
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.