Đã từ lâu, vấn đề minh bạch các khoản từ thiện của cá nhân hay tổ chức đều hoàn hoàn dựa trên niềm tin của người quyên góp đối với người/tổ chức kêu gọi. Nhưng niềm tin con người lại là cái không thấy được. Rất nhiều rắc rối phát sinh từ đây. Vụ lùm xùm gần đây của nghệ sĩ Hoài Linh khi chậm phân phối số tiền từ thiện cứu trợ lũ lụt miền Trung có thể khiến bạn nhận ra vấn đề.
Tại một số quốc gia, công nghệ blockchain đã được áp dụng để minh bạch hóa các khoản từ thiện. Thậm chí lên đến hàng chục triệu đô la. Chúng tôi mặc định, bạn đọc bài này nghĩa là đã hiểu blockchain là gì?
Vấn đề lớn của làm từ thiện theo kiểu truyền thống?
Vấn đề lớn của việc làm từ thiện hiện nay là khủng hoảng niềm tin
Dễ hiểu thế này:
- Bạn chuyển tiền của mình cho người/tổ chức kêu gọi: nghĩa là bạn tin tưởng người/tổ chức kêu gọi đó.
- Người/tổ chức kêu gọi chuyển tiền cho tổ chức khác giải ngân ngay tại hiện trường: nghĩa là bạn và người/tổ chức kêu gọi phải tin tưởng nơi người chịu trách nhiệm giải ngân.
- Theo đó, người giải ngân, bạn, người/tổ chức kêu gọi đều làm việc với nhau thông qua một hệ thống chuyển khoản (thường là ngân hàng), thì tất cả phải tin tưởng vào hệ thống đó an toàn.
Niềm tin này bao gồm ba yếu tố: đúng người, đúng số tiền, đúng thời điểm
Ví dụ trường hợp nghệ sĩ Hoài Linh. Người hâm mộ tin nghệ sĩ Hoài Linh. Hoài Linh tin những người tại hiện trường lũ lụt. Và người hâm mộ chỉ “nghe kể ” lại số tiền đã được chuyển khoản với bằng chứng là một tờ giấy/hình ảnh hoàn toàn làm giả được.
Càng ngày, niềm tin này thật sự quá mỏng manh.
Một hệ thống Public Blockchain sẽ giải quyết triệt để vấn đề
Việc áp dụng một Public Blockchain nghĩa là chúng ta trao toàn bộ niềm tin đó cho “máy tính”. Hãy đúng hơn, trao cho một cơ chế ghi chép giao dịch công khai mà không thể xóa sửa, cũng không thể bị thao túng bởi một quyền lực áp đảo nào. (một private blockchain có thể không giải quyết triệt để được như thế).
Dĩ nhiên, không phải quốc gia nào cũng dễ dàng áp dụng giải pháp này. Vì điều kiện cần trước tiên là phải cởi trói để các token mã hóa có thể bắt một cây cầu trao đổi giá trị với fiat cái đã. Khi đó, việc huy động, kêu gọi từ thiện bằng token mới chính thức được khởi động.
Có ba cái lợi rất lớn khi áp dụng blockchain vào từ thiện:
- Thứ nhất là cái lợi minh bạch. Vì mọi động thái chuyển khoản của từng người tham gia đều sẽ được ghi nhận và tra cứu bất cứ lúc nào. Không thể có chuyện người/tổ chức kêu gọi ém số tiền đó nhiều tháng trời không chuyển mà không ai biết. Hoặc thậm chí, số tiền có thể tự động chuyển thông qua hợp đồng thông minh.
- Thứ hai là tiết kiệm chi phí. Ví dụ, hàng trăm hàng nghìn người đóng góp thì phí giao dịch truyền thống sẽ không hề nhỏ. Nhưng với blockchain, nó chẳng đáng là bao. Người cần giúp sẽ tận dụng tối đa số tiền từ thiện.
- Thứ ba là sẽ huy động được nhanh hơn và nhiều hơn. Điều này là do đặc tính của crypto token. Tiền được chuyển rất nhanh và rất dễ lan tỏa vì nó đã có sẵn trong các ví lưu trữ. Bấm nút là tiền đi.
Case Study áp dụng blockchain trong công tác từ thiện
Đây không phải là giải pháp mới.
Givetrack – Một nền tảng gây quỹ từ thiện blockchain được nghiên cứu bởi đại học Edinburgh (Anh)
Bạn có thể click vào để xem số tiền của mình đã chuyển hay chưa? Bao nhiều góp quỹ? Quỹ được bao nhiêu? Chuyển khi nào? Hoàn toàn có trên blockchain.
Binance Charity
Ví dụ: chiến dịch gây quỹ chống Covid của Binance. Bạn có thể biết từng giao dịch quyên góp, cho đến từng giao dịch chuyển tiền cho người nhận cuối. Ngay cả khi bạn chưa quyên góp.
Mô hình này được nhân rộng, có lẽ sẽ hạn chết đi những vụ lùm xùm như thời gian gần đây. Nhưng tại Việt Nam, viễn cảnh này có thể còn khá xa.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.