CEO Binance Changpeng Zhao chỉ ra vai trò bổ sung giữa CeFi và DeFi. Nhưng làm thế nào thị trường có thể cân bằng cả hai trong khi vẫn tôn trọng đặc tính phi tập trung vốn có của thị trường tiền điện tử?
Tham gia Cộng đồng BeInCrypto trên Telegram để tìm hiểu về các bài phân tích kỹ thuật, thảo luận về tiền điện tử và nhận câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của bạn từ các chuyên gia và nhà giao dịch chuyên nghiệp của chúng tôi nhé.
Thị trường tiền điện tử đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi Bitcoin lần đầu được giới thiệu. Ban đầu, blockchain là một không gian hoàn toàn phi tập trung với các giao dịch P2P và không có trung gian. Tuy nhiên, nhờ vào sự gia tăng của các sàn giao dịch tập trung hay còn gọi là sàn CEX, thị trường đã trở nên tập trung hơn, dẫn đến cuộc tranh luận giữa CeFi và DeFi.
Tài chính tập trung (CeFi) đề cập đến các tổ chức tài chính hoặc sàn giao dịch hoạt động trong khuôn khổ tập trung. Mặt khác, tài chính phi tập trung (DeFi) đề cập đến một hệ thống các ứng dụng và giao thức tài chính chạy trên mạng blockchain phi tập trung.
Cả CeFi và DeFi đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Nếu như CeFi thân thiện với người dùng hơn và mang lại tính thanh khoản cao hơn, thì DeFi minh bạch hơn và cho phép người dùng kiểm soát tốt hơn tài sản của họ. Tuy nhiên, nền kinh tế vĩ mô toàn cầu, bao gồm cả thị trường tài chính và tiền điện tử truyền thống, đã xuất hiện nhiều biến động trong quá khứ. Bên cạnh đó, lĩnh vực tiền điện tử đã phải đối mặt với nhiều trường hợp về tấn công mạng, hack, scam và sự sụp đổ của nhiều đế chế tiền điện tử.
Có cách nào để cân bằng giữa DeFi và CeFi không?
Khi nhắc đến một đế chế tiền điện tử lớn phá sản khiến thế giới tài chính rung chuyển, không khó để trả lời là sự sụp đổ của FTX, sàn giao dịch tiền điện tử dựa trên CeFi lớn thứ hai sau Binance. Kể từ đó, CeFi đã phải chịu sự giám sát và chỉ trích nặng nề. Để đạt được sự cân bằng giữa hai cán cân CeFi và DeFi, thị trường cần tìm cách tận dụng điểm mạnh của cả hai đồng thời giảm thiểu điểm yếu của mỗi bên.
Một cách để đạt được điều này là thu hẹp khoảng cách giữa CeFi và DeFi thông qua các sàn giao dịch phi tập trung (DEX). DEX cho phép người dùng giao dịch tiền điện tử mà không cần trung gian, khiến chúng trở thành một phần quan trọng của hệ sinh thái DeFi. Tuy nhiên, thách thức với DEX là các nền tảng này cần nhiều thanh khoản hơn, đó là lúc CeFi xuất hiện.
Việc tích hợp với CeFi cho phép các DEX tiếp cận thanh khoản lớn hơn và mang đến cho người dùng trải nghiệm giao dịch tốt hơn. Sự tích hợp này có thể xảy ra theo hai cách. Đầu tiên là thông qua sổ đặt lệnh tập trung (centralized order book), trong đó các lệnh được xử lý thông qua một đơn vị tập trung phù hợp với các lệnh mua và bán. Thứ hai là thông qua pool thanh khoản (liquidity pool), nơi người dùng có thể gộp tài sản của họ lại với nhau để tạo ra một thị trường giao dịch.
Một cách khác để đạt được sự cân bằng giữa CeFi và DeFi là tận dụng cơ sở hạ tầng tài chính phi tập trung. Cơ sở hạ tầng phi tập trung, chẳng hạn như các oracle và xác minh danh tính, có thể được sử dụng bởi cả nền tảng CeFi và DeFi. Ví dụ, nền tảng CeFi có thể sử dụng oracle để truy cập dữ liệu thị trường theo thời gian thực và nền tảng DeFi có thể sử dụng xác minh danh tính để ngăn chặn các hoạt động gian lận.
Thị trường có thể đạt được sự cân bằng không?
Việc tích hợp CeFi và DeFi cũng có thể đạt được thông qua công nghệ tokenization (token hóa). Tokenization tạo mã thông báo kỹ thuật số đại diện cho các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu hoặc bất động sản. Quá trình tokenization tiếp tục cho phép các tài sản truyền thống được giao dịch trên các mạng blockchain, giúp các nhà đầu tư và thương nhân dễ tiếp cận hơn. Tokenization cũng có thể được sử dụng để tạo ra các sản phẩm tài chính kết hợp các tính năng của CeFi và DeFi.
Ví dụ, một sản phẩm được token hóa có thể sử dụng nền tảng tập trung để mang lại tính thanh khoản cao hơn trong khi tận dụng mạng phi tập trung để mang lại tính minh bạch và bảo mật.
Cuối cùng, thị trường có thể đạt được sự cân bằng giữa CeFi và DeFi bằng cách thúc đẩy khả năng tương tác. Khả năng tương tác đề cập đến khả năng giao tiếp và chia sẻ dữ liệu của các mạng blockchain khác nhau. Bằng cách thúc đẩy khả năng tương tác, các nền tảng CeFi và DeFi có thể hoạt động cùng nhau để mang đến cho người dùng trải nghiệm giao dịch liền mạch.
Ngoài ra, khả năng tương tác cũng có thể giúp giảm rủi ro liên quan đến các nền tảng tập trung, chẳng hạn như hack và gian lận. Bằng cách tích hợp với các giao thức DeFi, nền tảng CeFi có thể hưởng lợi từ tính bảo mật và tính minh bạch của mạng blockchain, giảm nguy cơ gian lận và hack.
CEO Binance Changpeng Zhao chia sẻ quan điểm về vấn đề này
Changpeng Zhao (CZ), vị CEO có góc nhìn đa chiều và thường khó đọc vị của Binance, đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này. Gần đây, CZ đã phát biểu tại Hội nghị Web3 Hồng Kông. Các chủ đề chính của cuộc trao đổi cùng với CZ bao gồm bảo mật tài sản, niềm tin vào CeFi và DeFi, trải nghiệm người dùng, quy định và tương lai của ngành.
Đầu tiên, người phỏng vấn gợi mở cuộc tranh luận về việc bảo mật mạnh hơn trong CeFi cũng như trong DeFi. Changpeng Zhao phát biểu rằng:
“CeFi và DeFi có những đặc điểm khác nhau; khó để nói cái nào an toàn hơn cái còn lại. Đối với cả CeFi và DeFi, cần phải xem xét các biện pháp bảo mật.”
Trong hàm ý phát biểu của CZ, cả CeFi và DeFi đều tồn tại ít nhất một mặt không an toàn so với cái còn lại. Trong tương lai, CZ đề xuất rằng một công ty CeFi cần nhận thức về sự cần thiết của việc minh bạch. Điều này có thể đạt được bằng cách tiến hành Proof of Reserve kỹ lưỡng. Điều này giúp xác minh thông qua chuỗi khối rằng tiền của người dùng được an toàn.
Ngược lại, trong DeFi, việc bảo mật khóa riêng cho ví là rất quan trọng. Nhưng một số người dùng vẫn dễ bị tổn thất các khoản đầu tư do các thao tác cần thiết vẫn khá phức tạp. Do đó, CZ nói thêm rằng: “Cả CeFi và DeFi đều có các đặc điểm khác nhau về rủi ro và bảo mật. Chúng ta không nên có quan điểm phiến diện rằng cái này tốt hơn cái kia”.
Sự khác biệt rõ ràng giữa CeFi và DeFi
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sự khác biệt giữa CeFi và DeFi vẫn tồn tại. Một trong những lời chỉ trích chính đối với CeFi là ngành này đi ngược lại đặc tính phi tập trung của tiền điện tử. Những công ty liên tiếp sụp đổ trong năm ngoái đã bổ sung bằng chứng cản trở uy tín của CeFi. Tuy nhiên, Zhao lại nghĩ khác.
“CeFi không chống lại DeFi. DeFi cũng không nên chống lại bất kỳ ngành nào. Trong một không gian hoàn toàn phi tập trung, mọi người sẽ vì chính họ. Khi bạn hình thành các dự án và sáng kiến, đó là sự tập trung hóa. Sẽ luôn có các nhóm tập trung hóa, ngay cả trong không gian phi tập trung.”
Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất theo khối lượng giao dịch đã phải đối mặt với sự giám sát liên quan đến tính minh bạch. Các nhà quản lý đã tận dụng cơ hội để nhắm mục tiêu vào sàn giao dịch. Chẳng hạn, Binance đang bị Văn phòng Công tố Liên bang và Cảnh sát Liên bang điều tra tại Brazil, theo một báo cáo trên tờ báo Valor Econômico. Sàn giao dịch tiền điện tử bị cáo buộc đã giúp khách hàng trốn tránh lệnh dừng giao dịch đối với các khoản đầu tư phái sinh tiền điện tử.
Một trong những thành phần quan trọng nhất để thu hút người dùng đến với các tổ chức/sàn giao dịch tập trung là giành được sự tin tưởng. Người dùng có thể tăng sự tin tưởng của họ đối với các công ty CeFi bằng cách tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi sử dụng dịch vụ của sàn. Điều này bao gồm danh tiếng, theo dõi hồ sơ, các biện pháp bảo mật và mức độ tuân thủ quy định của công ty. Người dùng cũng nên đọc các điều khoản dịch vụ và chính sách quyền riêng tư của công ty để hiểu cách dữ liệu và tài sản của họ được bảo vệ.
Các yếu tố giúp công ty tiền điện tử xây dựng niềm tin từ khách hàng
Nhằm nâng cao niềm tin giữa người dùng và các bên liên quan, CeFi và các công ty tiền điện tử có thể thực hiện một số bước:
- Minh bạch: Các công ty CeFi nên cung cấp thông tin minh bạch và chính xác về dịch vụ, cơ cấu phí và các biện pháp bảo mật của họ. Công ty cũng nên tiết lộ bất kỳ rủi ro và lỗ hổng tiềm ẩn nào liên quan đến dịch vụ của họ.
- Bảo mật: Các công ty CeFi nên ưu tiên đảm bảo an toàn cho tài sản và dữ liệu của người dùng. Điều này bao gồm triển khai các biện pháp bảo mật mạnh mẽ như xác thực hai yếu tố, mã hóa và cold storage (lưu trữ ví lạnh).
- Tuân thủ quy định: Các công ty CeFi phải tuân thủ các quy định có liên quan và xin giấy phép hoạt động trong phạm vi quyền hạn của họ. Điều này có thể giúp tăng niềm tin giữa người dùng và cơ quan quản lý.
- Hỗ trợ khách hàng: Các công ty CeFi nên cung cấp hỗ trợ khách hàng kịp thời và hiệu quả để giải quyết mọi vấn đề hoặc mối quan tâm mà người dùng của họ nêu ra.
- Tương tác với cộng đồng: Các công ty CeFi nên tương tác với cộng đồng người dùng thông qua mạng xã hội, diễn đàn và các kênh khác. Điều này có thể giúp xây dựng niềm tin và thiết lập danh tiếng tích cực cho công ty.
Bằng cách thực hiện các bước này, CeFi và các công ty tiền điện tử có thể nâng cao niềm tin giữa người dùng và các bên liên quan, điều này có thể giúp thúc đẩy việc áp dụng và tăng trưởng trong ngành.
Tuy nhiên, việc bảo vệ một không gian tiền điện tử lành mạnh còn cần sự chung tay của các cơ quan quản lý. Một công ty tiền điện tử sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định và xin giấy phép nếu cơ quan quản lý liên tục các động thái kìm kẹp sự phát triển của ngành. Lấy ví dụ là cơ quan SEC tại Mỹ thường xuyên nhắm vào các công ty tiền điện tử.
Quy định là yếu tố chính giúp ngành phát triển
Ngoài việc thảo luận về CeFi và DeFi, người được phỏng vấn cũng đưa ra cái nhìn sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận tiền điện tử và nhấn mạnh quy định là yếu tố chính. CZ cũng chỉ ra các dấu hiệu cho thấy nhiều quốc gia đang áp dụng và làm rõ các quy định, điều này có thể giúp mở ra một thời kỳ hoàng kim mới cho tiền điện tử.
Bạn nghĩ sao về thông tin trên? Chia sẻ ngay ý kiến của bạn trong nhóm cộng đồng của chúng tôi Telegram | Facebook fanpage | Facebook group.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.