Một trong những nỗi ám ảnh của các holder đó là Altcoin đang hold bị delist. Điều này sẽ khiến cho hy vọng tăng giá thành tuyệt vọng. Và rất có thể, Altcoin đó sẽ mãi mãi không bao giờ tăng giá trở lại, hoặc trở thành một “dead coin”.
Sau đây là những hướng dẫn các bước cần thiết để holder tham khảo nhằm thẩm định khả năng một Altcoin bị delist, do BeInCrypto đề xuất và tổng hợp.
Xem thêm: Binance huỷ niêm yết 4 Altcoin này khiến giá giảm mạnh hai con số
Bước 1: Kiểm tra khối lượng giao dịch của Altcoin, cẩn trọng khi khối lượng ngày quá thấp
Không khó để kiểm tra khối lượng giao dịch Altcoin. Sử dụng nền tảng CoinMarketCap trong mục “See historical data” sẽ giúp nhà đầu tư xác định khối lượng trong ngày thay đổi ra sao. Và bằng cách so sánh khối lượng với biến động giá của Altcoin đó, holder có thể đánh giá sự hào hứng/kỳ vọng của nhà đầu tư nói chung đối với dự án.
- Cẩn thận với những Altcoin có khối lượng ngày dưới 10 triệu USD. Đây là mức khối lượng rất thấp so với mặt bằng chung. Ngay cả khi Altcoin đó được niêm yết sàn lớn như Binance, thì việc khối lượng quá thấp khiến sàn không thấy lợi ích về phí giao dịch, và là dấu hiệu cho thấy trader không còn quan tâm đến việc giao dịch Altcoin đó.
- Cẩn trọng khi khối lượng giao dịch chỉ tăng trong những giai đoạn giảm giá. Và khối lượng cực kỳ ảm đạm trong những giai đoạn giá đi ngang. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư dần mất đi kỳ vọng với Altcoin. Họ chỉ chớp lấy cơ hội để bán khi có thể được, và dần rút vốn khỏi dự án.
Một loạt những Altcoin vừa bị Binance delist hồi tháng 6 có khối lượng ngày rất tệ, chỉ 5 triệu USD – 6 triệu USD/ngày (như OMG, WAVE, XEM…). Và đường giá của các Altcoin này không tạo được đỉnh 2024 cao hơn 2023.
Bước 2: Kiểm tra tần suất hoạt động phát triển của đội ngũ dự án
Một trong những lý do để Binance quyết định delist một Altcoin hay không đó là sự cam kết của đội ngũ trong việc phát triển dự án. Do đó, nếu đội ngũ lơ là hoặc “lười biếng” khi nâng cấp hoặc xây dựng các dịch vụ/sản phẩm mới thì cũng có nghĩa dự án đang thụt lùi. Có nhiều cách để kiểm tra tần suất hoạt động phát triển của đội ngũ dự án, ví dụ:
- Sử dụng công cụ Developerreport để giúp đánh giá số lượng nhà phát triển tham gia dự án, số lượng commit (commit là một hoạt động gửi những thay đổi mới nhất của mã nguồn đến kho lưu trữ) biến động theo thời gian. Một vài công cụ khác tương tự và hoàn toàn miễn phí như Stack.money, Santiment Dev Activity, Cryptomiso…
- Các công cụ này giúp nhà đầu tư đánh giá sự nhiệt huyết của đội ngũ đối với dự án. Trên thực tế, rất nhiều đội ngũ có được thành công ban đầu khi token được niêm yết, nhưng họ “ngủ quên trên chiến thắng” và không còn nhiệt huyết để theo đuổi roadmap, nhất là khi họ đã kiếm được tiền.
Nếu những dự án nào có tần suất cập nhật hoạt động phát triển kém, ví dụ cả năm gần đây không một commits, không có cập nhật mới, không theo đuổi xu hướng thị trường… thì khả năng cao dự án sẽ sớm bị quên lãng. Ví dụ, DOCK vừa bị Binance hủy niêm yết vào tháng trước chỉ có 4 contributors và chỉ có duy nhất 1 commit trong suốt cả năm qua.
Bước 3: Kiểm tra độ “hot” của dự án trên các thảo luận cộng đồng
Nếu bước 1 là đánh giá lợi ích của sàn khi tiếp tục cho phép token giao dịch, và bước 2 là đánh giá cam kết của đội ngũ phát triển, thì bước 3 là đánh giá tâm lý của cộng đồng hay của nhà đầu tư đối với dự án. Có nhiều dữ liệu khác nhau giúp đánh giá tâm lý, nhưng nguyên tắc chung vẫn là dự án càng kém hấp dẫn thì dòng tiền đầu tư vào dự án càng ít đi.
Có những coin/token chỉ sôi nổi giai đoạn huy động vốn và lên sàn, nhưng nhanh chóng bị quên lãng sau một năm. Một vài gợi ý để các holder kiểm tra lại độ “hot” của dự án như sau:
- Kiểm tra traffic trang web dự án: Có thể sử dụng những công cụ miễn phí như SimilarWeb, Semrush… để check xem traffic truy cập website chính thức dự án đang tăng hay giảm. Traffic càng tăng cho thấy nhà đầu tư/giao dịch quan tâm thường xuyên đến những cập nhật mới nhất của dự án, và ngược lại.
- Kiểm tra hoạt động thảo luận trên Telegram: Nhà đầu tư có thể truy cập trực tiếp kênh thảo luận telegram của dự án, quan sát tần suất thảo luận của nhà đầu tư, đánh giá những ý kiến của nhà đầu tư là tiêu cực hay tích cực, cũng như mức độ tương tác của đội ngũ dự án với những thắc mắc/thảo luận của cộng đồng.
- Kiểm tra mức độ đề cập trên X: Một số công cụ rất đắc lực để kiểm tra mức độ đề cập cộng đồng như chỉ số Weight Santiment, Social Volume… của Santiment, hoặc sử dụng công cụ Lunarcrush để quan sát khối lượng đề cập mạng xã hội.
Nếu các dữ liệu trên ảm đạm, các holder cần cẩn trọng vì có khả năng dự án đang bị thờ lơ bởi nhà đầu tư, khi đó token/coin sẽ thiếu dòng tiền, dẫn đến khối lượng giao dịch giảm, đội ngũ mất động lực và khả năng Altcoin bị delist rất cao.
Bước 4: Kiểm tra hoạt động của các ví cá voi nắm giữ phần lớn token của dự án
Bước này là để kiểm tra xem những nhà đầu tư lớn của Altcoin đó có còn tiếp tục đặt niềm tin dài hạn vào dự án nữa hay không. Các địa chỉ ví lớn này bao gồm cả ví của chính đội ngũ.
Trong thời gian gần đây, khi thị trường ảm đạm, nhiều ví lớn của quỹ và của chính dự án có dấu hiệu chuyển token lên sàn, đó là dấu hiệu rất xấu dự báo Altcoin đó có thể sớm trở thành “dead coin”. Các bước kiểm tra không quá khó:
- Tìm và copy địa chỉ hợp đồng thông minh của token/coin của dự án. Có thể sử dụng CoinmarketCap để tìm địa chỉ ví này.
- Copy địa chỉ ví vào các các trình khám phá blockchain phù hợp như Etherscan, BscScan…, tìm đến mục “holder” hoặc “token holder” để xác định những ví nào nắm giữ tỷ trọng lớn số token lưu thông của dự án.
- Click vào các ví lớn này và theo dõi hoạt động “In” hay “Out”. Nếu những ví cá voi này liên tục “out”, tức chuyển tiền khỏi ví hoặc chuyển lên sàn, thì đó là dấu hiệu cho thấy những nhà đầu tư lớn cũng đã bắt đầu rời bỏ. Thông thường, đội ngũ dự án và nhà đầu tư lớn thường có thông tin tốt và sớm hơn, do đó nếu dự án sắp bị delist hoặc sắp có thay đổi lớn thì họ sẽ là người biết và hành động sớm.
Nếu một Altcoin dù chưa bị delist, nhưng khi kiểm tra bước 4 này và phát hiện hoạt động bán ra từ các ví holder lớn, thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư nên giảm kỳ vọng về giá của token đó trong tương lai.
Tạm kết
Năm 2024 là năm có lượng coin/token tạo mới cao kỷ lục. Ước tính của CoinGecko cho biết, trong năm nay, trung bình có hơn 5,300 token được tạo mới mỗi ngày. Trong khi vốn hóa thị trường chưa khởi sắc và khối lượng giao dịch chỉ tập trung vào Bitcoin và các Altcoin hàng đầu. Do đó, việc kiểm tra lại danh mục bằng các tham khảo trên là rất cần thiết để holder có quyết định sớm trong việc cơ cấu danh mục, nhằm tránh nắm giữ phải một Altcoin không có giá trị tương lai.
Xem thêm: Những dữ liệu giúp dự đoán làn sóng delist Altcoin sẽ mạnh dần nửa cuối 2024
Tham gia Cộng đồng BeInCrypto trên Telegram để tìm hiểu về các bài phân tích kỹ thuật, thảo luận về tiền mã hóa và nhận câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của bạn từ các chuyên gia và nhà giao dịch chuyên nghiệp của chúng tôi nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.