Khung pháp lý về tiền ảo nói riêng và công nghệ số nói chung đang dần hình thành, trước mắt, hoạt động lấy ý kiến người dân về dự thảo luật đang được triển khai. Nhiều điểm mới trong dự thảo luật mà nhà đầu tư tiền ảo cần quan tâm để chuẩn bị trước tâm thế, cho đến khi trở thành luật chính thức.
Sau đây là những ghi nhận của BeInCrypto về những điểm quan trọng trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số mới nhất, có liên quan thị trường crypto ở Việt Nam.
Dự thảo luật đưa ra định nghĩa về “tài sản số” như thế nào?
Theo nguyên văn của Điều 8 trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được báo Chính phủ đăng tải ngày 3/7, tài sản số đã được định nghĩa như sau:
“Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.”
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số
Như vậy, theo định nghĩa này, các tài sản crypto nói chung có khả năng sẽ được phân loại như quyền tài sản và có thể được quy định theo bộ luật dân sự.
Tuy nhiên, theo một phiên bản mới cập nhật gần đây của dự thảo này, được website xây dựng pháp luật của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đăng tải, đã có sự khác biệt đáng kể khi thay đổi khái niệm “tài sản số” thành “tài sản mã hóa”. Cụ thể, trong Điều 13 của dự luật này, viết như sau:
“Tài sản mã hóa mà tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan là bản ghi điện tử được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ sổ cái phân tán, công nghệ chuỗi khối hoặc công nghệ số khác tương tự.”
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số
Sự thay đổi này cho thấy ban soạn thảo đã có sự tiếp thu ý kiến chuyên gia, đưa ra định nghĩa “sát sườn” với bản chất của tiền mã hóa (crypto = mã hóa, được ghi nhận trên blockchain).
Bitcoin và Altcoin có thể được xem là “tài sản mã hóa” tại Việt Nam
Có thể nói, dự thảo luật lần này là lần đầu tiên mà khái niệm “tài sản số”, “tài sản mã hóa” được định nghĩa. Cùng với định nghĩa mới này, một số chuyên gia đã đưa ra ý kiến và mở rộng quan điểm. Trong buổi Tọa đàm Chính sách thuế – tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp hôm 21/8, ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam – có ý kiến như sau:
“Theo báo cáo của Công ty Kiểm toán PWC, kể cả khi có chính sách thuế, từ 55-95% các quốc gia bị thất thu thuế về ngành này. Lý do rất đơn giản là khi có chính sách ban hành, chúng ta không có một bên thứ ba giám sát. Có rồi nhưng các doanh nghiệp cũng không biết đường nào mà làm, dẫn đến từ 55-95% thất thu thuế.”
ông Phan Đức Trung
Theo ông Trung, một khi đã là tài sản sẽ cần lưu ý vấn đề về thuế, và ông mong muốn luật thuế liên quan này sẽ ra đời thận trọng từng bước một.
Còn ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí – cho rằng:
“Xung quanh định nghĩa đó, như chúng ta đã nói, phải có sự trao đổi, bởi vì tài sản số, tài sản mã hóa có rất nhiều loại hình và mỗi loại hình tài sản số có thể sử dụng trong những mục tiêu khác nhau. Cho nên chúng ta phải làm rõ được bản chất, đặc trưng của từng loại hình. Có như vậy, cơ quan quản lý nhà nước mới có điều kiện, căn cứ để xây dựng, tổ chức và thực thi chính sách phục vụ cho việc quản lý nhà nước.”
Ông Trương Bá Tuấn
Trên thực tế, như ông Tuấn nói, crypto có rất nhiều loại hình khác nhau. Việc định nghĩa “tài sản mã hóa” chỉ mới là bước khởi đầu cho rất nhiều việc cần phải làm sau đó, là phân loại và xác định đặc trưng của từng loại.
Nhà đầu tư tiền mã hóa có thể đóng góp cho dự thảo luật
Ngày 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ trong đó có bàn về Luật Công nghiệp công nghệ số. Theo báo Tiền Phong, Thủ tướng cũng cho ý kiến về các chính sách đề xuất liên quan tài sản mã hóa: thúc đẩy, khuyến khích phát triển nhưng phải quản lý được các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…
Hiện tại, người dân có thể đóng góp ý kiến về dự thảo luật liên quan đến tiền mã hóa trên website chính thức của Chính phủ. Hoặc các doanh nghiệp/Hiệp hội có thể cử đại diện tham dự và phát biểu ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được tổ chức vào 29/8 tới đây.
Xem thêm: Dự đoán những nghề mới sẽ “hot” tại Việt Nam nếu luật về Crypto được ban hành
Tham gia Cộng đồng BeInCrypto trên Telegram để tìm hiểu về các bài phân tích kỹ thuật, thảo luận về tiền mã hóa và nhận câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của bạn từ các chuyên gia và nhà giao dịch chuyên nghiệp của chúng tôi nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.