Hoạt động đầu tư tiền ảo (hay tiền mã hóa) ở Việt Nam đã bắt đầu và phát triển hơn mười năm qua. Trước đó, từ những năm 2010, tiền ảo chỉ được biết đến trong một nhóm những người có sở thích kiếm tiền trên mạng. Cho đến nay, dù thị trường tiền ảo đã lớn mạnh hơn, nhưng “tiền ảo” vẫn là danh từ được nhắc đến với nhiều tiêu cực.
Sau đây là những ghi nhận từ Crypto về những hệ quả xã hội mà hoạt động đầu tư này đã tạo ra, trong xã hội Việt Nam.
Xem thêm: Dòng tiền Crypto chảy vào Việt Nam gấp 7.5 lần kiều hối và gấp 5 lần vốn FDI
Thua tiền ảo làm liều ngày càng nhiều
Nếu theo dõi tin tức thường xuyên, hầu như tuần nào tháng nào truyền thông trong nước cũng nêu bật những trường hợp “thua tiền ảo làm liều”. Đây là những cá nhân vì đầu tư thua lỗ, nên đã gây hệ quả xấu trong xã hội. Điều đáng nói, những trường hợp như vậy đến nay không còn hiếm, mà xuất hiện liên tục, nhất là những giai đoạn thị trường crypto downtrend. Một vài ví dụ như:
- Tháng 8, Công An Điện Biên đã khởi tố, bắt tạm giam Bùi Thái Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo bảo hiểm Hoàng Phong vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Hoàng cho biết, vì đầu tư tiền ảo thua lỗ, nên để có tiền đầu tư tiếp, đã đưa thông tin dối để chiếm đoạt nhà đầu tư.
- Cũng trong tháng 8, Công An Tam Kỳ – Đà Nẵng đã bắt giữ Ngô Xuân Cường 21 tuổi, do đầu tư tiền ảo thua lỗ nên đã trộm cắp xe máy trong tiệm cầm đồ.
- Táo tợn hơn, trong 12/8 vừa qua, Công An tình Bình Dương đã bắt giữ Trần Dương Ngọc Hải (1995) khi đang chuẩn bị kế hoạch cướp ngân hàng. Đối tượng này cho biết do đầu tư tiền ảo thua lỗ, nợ nhiều người nên đã lên kế hoạch phạm tội.
Danh sách này còn tiếp tục kéo dài hơn nếu cứ truy ngược những tin tức quá khứ. Không chỉ thua tiền ảo làm liều, mà nhiều cá nhân/tổ chức lập ra những đường dây lừa đảo số tiền lên đến tỷ USD như Cashback Pro, hay cá nhân hỗ trợ rửa tiền cho tội phạm Campuchia hàng chục ngàn tỷ đồng…đều liên quan đến tiền ảo.
Có thể thấy, tội phạm liên quan đến tiền ảo ở Việt Nam luôn tồn tại song song với sự phát triển của thị trường và ngày càng lớn về quy mô và táo tợn về hành vi.
Người trẻ thích đầu tư rủi ro cao, đặc biệt là Gen Z
Thị trường tiền ảo ở Việt Nam phát triển trong bối cảnh thế hệ Gen Z (sinh trong giai đoạn 1997 – 2015) bước vào tuổi trưởng thành. Với khả năng nắm bắt công nghệ nhanh chóng, rất nhiều Gen Z đã bắt đầu đầu tư tiền ảo từ rất sớm. Dù với số vốn ít nhưng đây là đối tượng nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao với kỳ vọng lớn. Một vài thống kê đáng chú ý như sau:
- Theo VNexpress, khảo sát trên 4,500 thanh thiếu niên khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho thấy 85% người trẻ muốn tiếp cận nhiều hơn kiến thức tài chính, 65% tham gia đầu tư. Cứ trong 10 người thế hệ Gen Z thì có 6 người có tài khoản đầu tư.
- Khảo sát Coin98 Insight cho thấy, độ tuổi từ 18 – 25 tuổi chiếm 37.9% nhà đầu tư tiền ảo ở Việt Nam.
- Phần lớn người trẻ chuộng đầu tư ngắn hạn, lướt sóng, ít quan tâm đến rủi ro do bị ám ảnh bởi nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Báo cáo của viện CFA cho biết Gen Z sẵn sàng đầu cơ vào các khoản đầu tư chưa được chứng minh hơn bất kỳ thế hệ nào khác.
Đây rõ ràng là một hệ lũy xã hội rất nổi bật. Các thế hệ trước giữ quan điểm bảo thủ rằng hoạt động đầu tư dành cho đối tượng có chuyên môn và hiểu về rủi ro. Nhưng Gen Z học đầu tư từ Tiktok, Youtube, Facebook, từ bạn bè… và sẵn sàng đầu tư mà không lường hết các rủi ro.
Mới đây, báo VTCnews dẫn lời ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, rằng “hầu hết giới trẻ Việt Nam hiện vẫn tồn tại lỗ hổng lớn về tài chính cá nhân. Đa số chưa có khái niệm đầu tư tài chính, an toàn tài chính hoặc không biết tích lũy tài sản là gì“. Ông cũng đưa ra lời khuyên rằng: “đầu tư vào tiền ảo, NFT nhưng không hề biết lợi nhuận từ đâu mà có, không hiểu quy luật, nguyên nhân tăng/giảm của những kênh này thì tuyệt đối không nên đầu tư“.
Người đầu tư tiền ảo bị kỳ thị trong xã hội
Ở Việt Nam, có sự khác biệt lớn về góc nhìn tiền ảo giữa chính phủ và người dân. Chính phủ thì lo ngại rửa tiền, và muốn ứng dụng công nghệ blockchain hiệu quả trong chuyển đổi số, nhưng người dân thì chỉ quan tâm làm sao kiếm được tiền nhanh và nhiều nhất từ tiền ảo. Do đó, việc nhắc đến tiền ảo thường bị những kẻ xấu “đánh lận”, và tranh thủ sự nhập nhằng về các khái niệm được sử dụng tràn lan như tiền số, tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa… để lừa đảo.
Từ đây, những nhà đầu tư tiền ảo dù chính đáng hay không chính đáng thì đều bị xem như là những đối tượng muốn giàu nhanh, lười lao động, cờ bạc. Nguyên nhân ban đầu đến từ những dự án lừa đảo/đa cấp/ponzi có yếu tố tiền ảo nhân danh công nghệ blockchain thu hút nhiều nạn nhân và sụp đổ. Những nhà đầu tư nào đủ tỉnh táo để tránh các dự án lừa đảo, thì phần đông lại không gặt hái được lợi nhuận khi đầu tư. Do đó, định kiến tiêu cực cứ duy trì mãi hơn mười năm qua.
Theo phóng sự từ Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024 vào tháng 8, đã chia sẻ thực trạng rằng nhiều nhà đầu tư tiền ảo hoặc người làm việc trong môi trường tiền ảo cũng ngại chia sẻ về nghề nghiệp của mình vì sợ bị xem là những “kẻ tham lam, muốn giàu nhanh”.
Trên đây là những hệ lụy xã hội của việc đầu tư tiền ảo, đã và đang diễn ra tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Xem thêm: Nhà đầu tư Việt giao dịch bao nhiêu tiền mỗi tháng cho Crypto?
Tham gia Cộng đồng BeInCrypto trên Telegram để tìm hiểu về các bài phân tích kỹ thuật, thảo luận về tiền mã hóa và nhận câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của bạn từ các chuyên gia và nhà giao dịch chuyên nghiệp của chúng tôi nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.