Không chỉ riêng các tổ chức trong lĩnh vực tiền điện tử, khủng hoảng thanh khoản có thể xảy đến ngay trong thị trường tài chính truyền thống.
Rủi ro khủng hoảng thanh khoản luôn đe dọa các tổ chức tài chính
Mới đây, báo chí truyền thống và các phương tiện truyền thông khác đồng loạt đưa tin khách hàng của một ngân hàng S ráo riết rút tiền, tất toán sớm các tài khoản tiền gửi của mình. Khung cảnh hỗn loạn tại các phòng giao dịch của ngân hàng này không khỏi khiến người ta liên tưởng đến các cuộc khủng hoảng thanh khoản xảy đến trong lĩnh vực tiền điện tử như trường hợp của Celsius, Hodlnaut hay CoinFlex.
Tương tự như các cuộc khủng hoảng thanh khoản xảy đến trong Crypto, biến cố xảy ra với ngân hàng này bắt nguồn từ các cú sốc, thường được khuếch đại khi nó liên tục chịu mũi dùi tấn công trên các mặt trận truyền thông. Hàng loạt các tin tức bất lợi trong hoạt động kinh doanh khiến khách hàng mất niềm tin vào ngân hàng, quyết định rút tiền về bất chấp những thiệt hại về quyền lợi. Điều này cũng đúng bởi sẽ không ai yên tâm để tài sản của mình tại một tổ chức mà người ta không rõ liệu nó còn “sống” được bao lâu.
Tuy nhiên, ngân hàng sẽ không hoặc ít nhất là tìm cách kéo dài quá trình rút tiền của khách hàng chứ không đột ngột tạm dừng rút tiền như cách các tổ chức tài chính như Celsius hay CoinFlex vẫn thường áp dụng. Cái lợi của các tổ chức tài chính truyền thống trong những thời điểm như này là nó chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong bối cảnh cơn cuồng nộ của đám đông đang ở đỉnh điểm, những động thái trấn an của các cơ quan có thẩm quyền đôi khi lại đem đến hiệu ứng ngược. Do đó, khủng hoảng thanh khoản là điều khó tránh khỏi đối với ngân hàng này ở thời điểm hiện tại. Nếu mức độ lớn, tầm ảnh hưởng rộng, không loại trừ việc dẫn đến phá sản hoặc bị mua lại, sáp nhập.
Điểm tương đồng trong các cuộc khủng hoảng
Mỗi cuộc khủng hoảng diễn ra theo cách riêng của nó, thách thức các nhà hoạch định chính sách ứng phó với các điều kiện đang phát triển. Tuy nhiên, có những yếu tố lặp lại đối với hầu hết các cuộc khủng hoảng. Cụ thể:
Thứ nhất, cả hai đều dẫn đến sự gia tăng bất thường trong nhu cầu thanh khoản. Bằng chứng là mỗi khi có vấn đề, nhà đầu tư/người dân đều ồ ạt bán tháo và rút toàn bộ tiền/tài sản của mình. Trong khi tiền là mạch máu của các tổ chức tài chính, việc rút đồng loạt trong cùng một thời điểm khiến các tổ chức tài chính này không kịp trở tay. Tất yếu điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Thứ hai, do điều kiện thanh khoản căng thẳng, thị trường nói chung bị gián đoạn nghiêm trọng. Tệ hại nhất là điều này sẽ đe dọa đến dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Trong phần lớn các cuộc khủng hoảng, căng thẳng tột độ trên thị trường tín dụng dẫn đến phần bù rủi ro tăng cao và giảm khả năng tiếp cận tín dụng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng có hại đến tổng cầu và sản lượng.
Với trường hợp của ngân hàng S kể trên, hiệu ứng vết dầu loang có thể chạm tới các ngân hàng khác trong ngắn hạn. Trong thị trường tiền điện tử cũng tương tự. Hàng loạt các tổ chức liên quan ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng. Về tổng thể nó làm mất đi sự tin tưởng từ các nhà đầu tư, kéo lùi sự phát triển toàn thị trường.
Tham gia nhóm cộng đồng của BeInCrypto (Telegram | Facebook fanpage | Facebook group) để cập nhật những tin tức mới nhất về thị trường tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.