Trusted

Bitcoin SegWit (Segregated Witness) là gì? Giải pháp mở rộng quy mô của Bitcoin

5 mins
Cập nhật bởi Bùi Linh
Tham gia cộng đồng giao dịch của chúng tôi trên Telegram

Bitcoin (BTC) ngay từ đầu đã được phát triển dưới dạng mã nguồn mở công khai. Cho đến nay, nhiều chuyên gia vẫn kiểm tra và đóng góp vào đó những đề xuất sao cho đáp ứng được nhu cầu giao dịch ngày càng cao. Điều này dẫn đến thỉnh thoảng Bitcoin lại được “cập nhật”. Việc cập nhật này đôi khi chỉ là triển khai các tính năng mới (soft fork), nhưng đôi khi gây nên cuộc tranh cãi dữ dội đến mức những người có quyền biểu quyết (miners) phản đối và phân tách thành một đồng tiền khác (hard fork).

Bitcoin SegWit chính là một soft fork xuất hiện vào cuối năm 2017. Sự kiện này cũng là một cột mốc đáng chú ý trong sự phát triển của Bitcoin. Nếu bạn có quan tâm, thì sắp tới đây mạng lưới blockchain của Bitcoin sẽ triển khai bản nâng cấp Taproot cũng quan trọng không kém.

Bitcoin SegWit là gì?

SegWit là viết tắt của chữ Segregated Witness, trong đó “Segregated” là tách biệt, còn “Witness” là bằng chứng. Nếu một người chưa có kiến thức về cấu tạo blockchain của Bitcoin thì để hiểu được khái niệm này (và nhiều khái niệm tương tự khác) thật sự là một thách thức. “Tách biệt bằng chứng” để làm gì? 

Cần hiểu về chữ ký số là gì?

Trong cuộc sống, người ta cần bằng chứng là để chứng minh chắc chắn một điều gì đó là chính xác. Cụ thể, trong giao dịch BTC trên mạng lưới blockchain thì chữ ký số chính là bằng chứng:

  • Người gửi cần chữ ký số để chứng minh rằng đó tiền của chính chủ và nó không bị thay đổi trong quá trình gửi đi (tính toàn vẹn).
  • Nhờ chữ ký số, người nhận có thể chắc chắn được giao dịch này được phát đi từ người gửi chứ không phải của ai khác (tính xác thực).
  • Nhờ chữ ký số được tạo ra cùng với khóa riêng tư (private key) cho nên không cách nào người gửi có thể chối bỏ đó là giao dịch của mình (tính chống thoái thác).

Để hiểu đầy đủ về chữ ký số, bạn cần có kiến thức chuyên môn về hệ mật dựa trên đường cong Elliptic (ECDSA) trong Mật mã hóa khóa công khai. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết, chỉ giới thiệu chữ ký số đóng vai trò là dữ liệu bằng chứng (Witness Data) mà thôi.

Với những tính chất trên, rõ ràng chữ ký số đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong giao dịch. Chữ ký số là bằng chứng không thể chối cãi để một giao dịch P2P được thực hiện chính xác. Nhưng sao lại “Segregated” nó? Câu trả lời vì nó “nặng”, nó có dung lượng chiếm đến quá nửa toàn bộ kích thước dữ liệu của một giao dịch. Điều đó khiến cho một khối (block) nhanh chóng bị đầy, làm ảnh hưởng đến hiệu suất giao dịch của tổng thể mạng lưới Bitcoin.

Cần hiểu về kích thước khối của Bitcoin là gì?

Bitcoin chính là ứng dụng điển hình và nổi bật nhất của công nghệ blockchain. Mà chính từ ngữ “blockchain” cũng phần nào thể hiện được cấu tạo của nó. Đó là “block” + “chain”, với hàm ý các “khối” dữ liệu được liên kết với nhau thành một “chuỗi”. Trong các khối này, chứa một lượng dữ liệu giao dịch nhất định.

Như vậy, khả năng khối chứa được bao nhiêu dữ liệu giao dịch sẽ phản ánh khả năng xử lý giao dịch của toàn bộ mạng lưới. Các khối của Bitcoin sẽ được đổ đầy dữ liệu và được xác nhận thêm vào chuỗi cứ sau mỗi 10 phút (đôi khi chênh lệch). Và với kích thước thực tế cố định của khối Bitcoin hiện tại chỉ 1MB, nó chỉ có thể chứa khoảng 2,700 giao dịch, và xử lý được khoảng 5-7 giao dịch mỗi giây.

Nếu bạn có mặt ở thị trường vào thời điểm và tháng 8/2017, khi đó lần đầu Bitcoin chạm ngưỡng 5,000 USD. Bạn sẽ chứng kiến hiện tượng tắc nghẽn giao dịch trầm trọng xảy ra mỗi lần Bitcoin tăng giá. Một giao dịch chuyển Bitcoin đôi khi phải chờ đến nhiều giờ hoặc cả ngày. Hiện tại, đôi khi chúng ta vẫn gắt gặp tình trạng tương tự. Segwit ra đời là để giải quyết tình trạng như thế.

Segwit giúp được gì?

Segwit làm nhiệm vụ là tách biệt chữ ký số ra khỏi dữ liệu của một giao dịch để nó nhẹ hơn, từ đó trong một khối sẽ chứa được nhiều giao dịch hơn. Và vì thời gian một khối được đầy để xác nhận là không đổi, nên tính ra thời gian trung bình xử lý các giao dịch trở nên nhanh hơn. Người ta không cần phải trả nhiều phí hơn để được “ưu tiên” như trước nữa, nên phí giao dịch sẽ giảm. Đó là ưu điểm thường hay được nhắc đến của Segwit.

Tuy nhiên, Segwit còn có một ưu điểm đáng nhắc đến hơn nữa.

Khi chưa có Segwit, có một điểm yếu dễ bị khai thác là chữ ký số có thể bị thay đổi trước khi giao dịch được xác nhận. Từ đó, có thể dẫn đến trường hợp một người cố ý lừa người khác để họ gửi cho anh ta nhiều BTC hơn dự định ban đầu mà nạn nhân không hay biết. Từ năm 2011, điểm yếu này đã được bàn luận trên diễn đàn Bitcointalk. Truyền thông bắt đầu chú ý và và gọi nó là “transaction malleability” hay nhiều người không chuyên gọi dân dã hơn là “Bitcoin bug”. Dĩ nhiên, điểm yếu trên chỉ là lý thuyết, nhưng để thực hiện thành công hẳn bạn cần nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên môn hơn.

Nhưng khi có Segwit, chữ ký số bị tách biệt ra khỏi dữ liệu giao dịch. Nên kẻ xấu sẽ không còn có thể lợi dụng việc “sửa chữ ký” để thay đổi thông tin giao dịch được nữa. 

Vẫn chưa dừng lại ở đó, đang khi Segwit khắc phục được vấn đề “Bitcoin bug” trên, nó lại đồng thời mở cánh cửa mới cho những giải pháp mở rộng sau này. Khi đọc về Segwit, bạn có tự hỏi “Chữ ký số bị tách biệt khỏi dữ liệu giao dịch để giao dịch nhẹ và nhanh hơn, thì nó bị đem đi đâu?” không? Nó được đưa vào Sidechain. Sidechain được hiểu như blockchain phụ liên kết với blockchain chính nhằm để bổ sung chức năng và tăng hiệu suất.

Như vậy, chính Segwit đã đóng vai trò gợi mở những ý tưởng mới được đề xuất tiếp tục sau này như Lightning Network, hay giải pháp mở rộng Layer 2 (những vấn đề này ra khỏi khuôn khổ bài viết).

Tạm kết

Trong suốt lịch sử phát triển của Bitcoin, Segwit sẽ vẫn còn được nhắc lại là một trong những bản nâng cấp lớn nhất của Bitcoin. Nó không chỉ góp phần cho sự cải thiện hiệu suất của toàn mạng lưới, mà còn gợi mở thêm nhiều ý tưởng tiềm năng khác.

Tháng 11 này, Bitcoin cũng sẽ đón nhận bản nâng cấp lớn và quan trọng khác, là Taproot. Hãy theo dõi BeInCrypto để được cập nhật những kiến thức mới nhất.

Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 1 năm 2025
Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 1 năm 2025
Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 1 năm 2025

Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản một cách thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Người đọc tự trách nhiệm với bất kỳ hành động nào thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi.
Tại Learn, ưu tiên của chúng tôi là cung cấp thông tin chất lượng cao. Chúng tôi dành thời gian để xác định, nghiên cứu và tạo ra nội dung giáo dục hữu ích cho độc giả.
Để duy trì tiêu chuẩn này và tiếp tục tạo ra nội dung tuyệt vời, các đối tác của chúng tôi có thể thưởng cho chúng tôi một khoản hoa hồng cho các vị trí trong bài viết của chúng tôi. Tuy nhiên, những khoản hoa hồng này không ảnh hưởng đến quy trình tạo nội dung không thiên vị, trung thực và hữu ích của chúng tôi.

d-4q6o_1_400x400.jpg
Viet Anh
Việt Anh là một nhà báo có kinh nghiệm biên soạn tin tức chuyên về tiền điện tử. Quan điểm của anh về đầu tư là "Bạn càng hiểu rõ bản chất và tác động của thông tin, thì rủi ro đầu tư càng giảm". Do đó, các bài viết được anh biên soạn thường khai thác về kinh nghiệm đầu tư, phân tích kỹ thuật chuyên sâu, những chuỗi bài về thuật ngữ trong phân tích kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao.
Chi tiết
Được tài trợ
Được tài trợ