Việc định giá một đồng tiền điện tử trước khi chính thức được ra mắt cần phải được đặt trong quy mô chung của toàn thị trường để đưa ra mức giá phù hợp.
Tham gia Cộng đồng BeInCrypto trên Telegram để tìm hiểu về các bài phân tích kỹ thuật, thảo luận về tiền điện tử và nhận câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của bạn từ các chuyên gia và nhà giao dịch chuyên nghiệp của chúng tôi nhé.
Thời gian gần đây, mạng xã hội rộ lên các đoạn tin video ngắn về một dự án vốn gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam. Trong đoạn video đó, cộng đồng của dự án được cho là đã thống nhất đi đến mức giá đồng thuận chung cho mỗi đồng coin này khi ra mạng ra mắt mainnet là 314,159 USD. Tuy nhiên, dạo qua một vòng trên các mạng xã hội, một số người sẵn sàng chấp nhận trao đổi/mua bán cùng đồng coin này chỉ với từ 9,000 VNĐ – 10,000 VNĐ, thấp hơn nhiều so với mức giá đồng thuận trên.
Một ví dụ khác là SUI token của Sui Network, tại sao nó lại có mức giá bán là 0.03 USD – 0.1 USD trên 3 sàn giao dịch được chỉ định là Bybit, KuCoin và OKX. Từ những ví dụ trên, đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao người ta lại đưa ra mức giá đó cho nó? Tại sao người ta không đồng thuận 1 SUI có giá 314,159 USD giống như những gì mà đồng coin kia đã làm?
Nếu bạn cũng có những thắc mắc này thì bài viết là dành cho bạn. Trong bài viết này, BeInCrypto sẽ chia sẻ về cách làm thế nào mà một dự án Crypto định giá đồng coin của họ khi ra mắt cộng đồng. Cũng thông qua bài viết này, đứng trước mỗi dự án bạn có thể tự đánh giá được rằng giá đồng coin đó khi ra mắt đang được định giá cao hay thấp. Hãy cùng theo dõi nhé.
Trước khi bắt đầu, có một lưu ý ở đây là việc định giá một đồng coin bất kỳ sẽ được chia làm 2 loại. Một là định giá một đồng coin khi đã ra mắt. Lúc này chúng ta sẽ định giá xem tại một thời điểm bất kỳ, mức giá của đồng coin đó là rẻ hay đắt. Một loại khác là định giá của một đồng coin trước khi chúng được ra mắt chính thức. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về loại 2 nhé.
Định giá tiền điện tử là gì?
Định giá là quá trình phân tích, đánh giá giá trị hiện tại hoặc dự kiến của một tài sản nhất định. Và, tất nhiên, mục đích của việc định giá là cung cấp cho chúng ta thông tin để đưa ra quyết định về việc có nên hay không nên đầu tư vào loại tài sản đó.
Trong thị trường tài chính truyền thống, chúng ta có rất nhiều phương pháp định giá khác nhau như định giá theo P/E, chiết khấu dòng tiền hay thậm chí là theo mô hình Gordon Growth. Mỗi phương pháp lại có những ưu nhược điểm riêng của nó. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp định giá này cho tiền điện tử có chắc chắn là không phù hợp vì tiền điện tử không có dòng tiền.
Hơn nữa, việc định giá ban đầu cho một đồng coin còn gặp nhiều khó khăn hơn khi gần như chúng ta không có bất kỳ thông tin nào về nó ngoài các thông tin được công bố về tổng cung. Với những đồng coin chưa ra mắt, lịch sử giá của nó còn chưa có nên chúng ta cũng không thể dựa vào các mô hình đáng tin cậy để đánh giá. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là dựa vào điều gì để một đội ngũ phát triển của dự án đó có thể định giá đồng coin của họ?
Tiền điện tử được định giá dựa trên những khía cạnh nào?
Để đưa ra một khái niệm đầy đủ nhất về định giá một đồng coin bất kỳ, có 3 yếu tố mà chúng ta cần phải xem xét. Cụ thể là:
- Tiện ích: Rõ ràng rằng việc định giá một đồng coin sẽ cần phải dựa trên tiện ích mà nó tạo ra. Điều đó có nghĩa là đồng coin đó sẽ được sử dụng như thế nào trong mạng chuỗi khối mà nó có liên quan. Lấy ví dụ, ETH là đồng tiền trên mạng Ethereum và được dùng làm phương tiện thanh toán khi chúng ta thực thi các lệnh trên chuỗi, phát triển ứng dụng… Khi hệ sinh thái Ethereum ngày càng mở rộng, người dùng càng nhiều và thực hiện nhiều giao dịch với ETH thì giá của nó sẽ tăng lên và ngược lại.
- Sự khan hiếm: Yếu tố này cũng không quá khó hiểu. Tương tự như nhiều hình thức tài sản khác, thường cái gì càng khan hiếm thì giá trị của nó càng cao. Điều này cũng lý giải vì sao các dự án tiền điện tử đang chạy đua với cơ chế giảm phát để kiểm soát nguồn cung.
- Giá trị cảm nhận: Đây là một yếu tố khá trừu tượng. Giá trị ở đây có thể là việc một dự án liên tục đạt được mục tiêu đề ra khiến cộng đồng tin tưởng. Hoặc nó cũng có thể là một niềm tin về một thứ giá trị nào đó sẽ đạt được trong tương lai chẳng hạn.
Phương pháp định giá ban đầu tiền điện tử
Chúng ta đều hiểu với nhau rằng yếu tố chính ảnh hưởng đến giá của một đồng coin đã ra mắt là quy luật Cung – Cầu. Nhưng khi nó được giới thiệu lần đầu tiên, quy luật Cung – Cầu chưa áp dụng được thì điều gì quyết định giá ban đầu của nó?
Trên thực tế, người ta có thể định giá ban đầu cho một đồng coin bất kỳ theo phương pháp định tính. Nghĩa là họ có thể bắt đầu với mức thấp hay cao tùy ý muốn. Nó giống như việc khi bạn bán một sản phẩm, bạn có quyền đặt cho nó mức giá mà bản thân bạn thấy là phù hợp. Tuy nhiên, mức giá đó có được cộng đồng chấp nhận hay không lại là câu chuyện khác.
Nói cách khác, định giá một đồng coin giai đoạn này thực sự phụ thuộc vào số tiền mà đội ngũ phát triển của dự án muốn huy động. Họ sẽ lấy giá trị số tiền dự tính bán được đó, chia cho tổng số token phát hành để ra giá của một đồng coin.
Do đó, dựa vào điều này, kết hợp với việc đặt đồng coin đó vào bối cảnh chung của toàn thị trường, chúng ta có một phương pháp để định giá tiền điện tử khá phổ biến. Lấy ví dụ, hiện tại vốn hóa chung của toàn thị trường tiền điện tử ở mức 1.3 nghìn tỷ USD. Nếu có một đồng coin nào đó được định giá quá cao, dẫn đến việc khi ra mắt vốn hóa của đồng coin đó cao hơn gấp nhiều lần thị trường thì có vẻ như cách thức định giá của đồng coin đó chưa phù hợp.
Để có thể đưa ra một mức giá phù hợp, điều cần thiết là chúng ta phải đặt dự án đó vào trong quy mô chung của toàn thị trường trước khi tiến hành định giá. Việc ước tính quy mô của thị trường có thể là từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Trong cách tiếp cận từ trên xuống, người ta sẽ bắt đầu với tổng quy mô của thị trường. Sau đó, hãy cùng ước tính dự án tiền điện tử đó có thể nắm bắt bao nhiêu phần trăm thị trường đó trong một khung thời gian nhất định. Trong cách tiếp cận thứ hai, từ dưới lên, người ta sẽ bắt đầu với quy mô thị trường hiện tại của dự án và đưa ra các giả định về tốc độ tăng trưởng của thị trường đó.
Lời kết
Việc định giá một đồng tiền điện tử trước khi nó ra mắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những chỉ số tài chính xoay quanh đồng coin đó. Một chiến lược tài chính sai lầm có thể gây ra nhiều đợt bán phá giá khi mã thông báo/coin được đưa lên trên các sàn giao dịch và hệ lụy là giá sẽ giảm.
Ngoài ra, có một điều khác mà bạn cần phải lưu ý. Đó là sau khi đồng tiền điện tử đó được ra mắt và niêm yết trên các sàn giao dịch, mức giá của nó sẽ được kiểm soát bởi nhu cầu Cung – Cầu. Nghĩa là giá có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thời điểm.
Hi vọng rằng qua bài viết này, BeInCrypto đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích về cách định giá một đồng tiền điện tử trước khi nó được ra mắt. Tham gia nhóm Telegram của BeInCrypto để cập nhật thêm nhiều bài viết nữa nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản một cách thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Người đọc tự trách nhiệm với bất kỳ hành động nào thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi.
Tại Learn, ưu tiên của chúng tôi là cung cấp thông tin chất lượng cao. Chúng tôi dành thời gian để xác định, nghiên cứu và tạo ra nội dung giáo dục hữu ích cho độc giả.
Để duy trì tiêu chuẩn này và tiếp tục tạo ra nội dung tuyệt vời, các đối tác của chúng tôi có thể thưởng cho chúng tôi một khoản hoa hồng cho các vị trí trong bài viết của chúng tôi. Tuy nhiên, những khoản hoa hồng này không ảnh hưởng đến quy trình tạo nội dung không thiên vị, trung thực và hữu ích của chúng tôi.