COTI là một nền tảng blockchain Layer 1 nhằm mục đích xây dựng một mạng lưới thanh toán phi tập trung và có khả năng mở rộng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức và Chính phủ phát hành đồng tiền của riêng họ.
Tổng quan về mạng lưới COTI
1. COTI là gì?
COTI được ví như “Currency of the Internet”. Đây là một nền tảng blockchain Layer 1 nhằm mục đích xây dựng một mạng lưới thanh toán phi tập trung và có khả năng mở rộng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức và Chính phủ phát hành đồng tiền của riêng họ. Ví dụ, người dùng có thể tạo ra các stablecoin để cung cấp đa dạng tùy chọn thanh toán cho khách hàng. Theo website, COTI là một nền tảng của thế hệ tiền tệ kỹ thuật số tiếp theo. Nó được đánh giá là một hệ thống thanh toán đơn giản, minh bạch, đáng tin cậy, nhanh chóng và có thể mở rộng.
Tương tự như nền tảng Airbnb trong ngành dịch vụ lưu trú hay Uber trong vận tải, COTI xây dựng một mạng lưới thanh toán nhằm tìm cách giải quyết các vấn đề về trải nghiệm thanh toán trực tuyến cho cả người mua và người bán trong không gian fintech. COTI cung cấp các tiêu chuẩn áp dụng công nghệ blockchain vào lĩnh vực tài chính truyền thống như chuyển tiền, và thanh toán đa nền tảng với các trường hợp sử dụng cơ bản của DeFi. Hơn nữa, mạng COTI cũng có một biến thể staking độc đáo gọi là Proof of Trust (PoT). Đây là sự kết hợp giữa PoW và DAG để đạt được sự đồng thuận.
Nền tảng này cũng đã công bố các sản phẩm mới nhất của mình về việc cung cấp thẻ ghi nợ Visa và tài khoản ngân hàng dành cho cho người dùng. Một trong số đối tác hàng đầu của COTI là Cardano (ADA) với khoản đầu tư 500,000 USD. Đồng thời thông qua quan hệ hợp tác này COTI sẽ chấp nhận ADA Pay thông qua việc tích hợp vào nhiều loại tiền tệ fiat.
2. Lịch sử của COTI
COTI được thành lập vào tháng 6/2017 và có trụ sở chính tại Line Wall Road ở Gibraltar. Đội ngũ COTI tập hợp các chuyên gia giàu kinh nghiệm đa lĩnh vực như kỹ sư, nhà phát triển, chuyên viên ngân hàng, nhà nghiên cứu và các ngành khác nhưng có chung mối quan tâm về blockchain, phi tập trung và quyền riêng tư.
Với nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến giao dịch truyền thống, bao gồm các quy định, bảo mật, tiêu thụ năng lượng cao hay sự nghi ngờ vào công nghệ blockchain, COTI đã thực hiện được những mục tiêu này với tính năng mở rộng, tin cậy, nhanh chóng và độc quyền. Vào tháng 10/2021, COTI đạt được khả năng xử lý hơn 100,000 giao dịch mỗi giây (TPS).
3. COTI hoạt động như thế nào?
Như BeInCrypto đã đề cập ở trên, COTI ra đời với mục đích xây dựng một mạng lưới thanh toán phi tập trung cho phép các doanh nghiệp đạt được hiệu quả tối đa. Giao thức được kết hợp từ các thành phần chính bao gồm Trustchain, cấu trúc Multi DAG, Node clusters và Proof of Trust để đạt được sự đồng thuận.
Trustchain là công nghệ cơ bản cho hệ sinh thái COTI và các sản phẩm đi kèm. Cấu trúc lớp lõi xoay quanh một thuật toán duy nhất giúp giảm chi phí giao dịch và tăng tốc độ xử lý. Nó đặc biệt phù hợp cho thanh toán. Theo whitepaper, Trustchain dựa trên cấu trúc dữ liệu multi-directed acyclic graph (DAG) tạo điều kiện cho khả năng mở rộng. Cấu trúc Multi DAG cho phép các giao dịch ghi chồng lên nhau, điều này đồng nghĩa nhiều node có thể xảy ra đồng thời. Nhìn chung, nền tảng COTI kết hợp cơ sở hạ tầng, dịch vụ và các lớp mạng để xây dựng một giải pháp thanh toán toàn cầu thế hệ mới.
Cơ chế đồng thuận Proof of Trust (PoT)
COTI sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Trust (PoT). Không giống như PoW, PoT tiết kiệm năng lượng thông qua hoạt động phân bổ cho mỗi người dùng trong mạng một Trust Score và sử dụng DAG để đạt được khả năng mở rộng hiệu quả.
Trust Score đóng một vai trò quan trọng trong mạng COTI. Mục tiêu sử dụng Trust Score là để giảm phí giao dịch, cải thiện dịch vụ. Ví dụ, với Bitcoin, việc tăng khả năng mở rộng tự động đồng nghĩa với việc tăng mức tiêu thụ năng lượng. COTI sử dụng multi DAG để giải quyết vấn đề này. Nó gọi tên cluster này và gắn thẻ mỗi giao dịch vào Trust Score. Vì vậy, để trở thành người tham gia trong mạng, bạn cần kết nối với các giao dịch trước đó có cùng Trust Score. Ngược lại với PoW, PoT chấp thuận nhiều giao dịch có thể xảy ra đồng thời, từ đó giải quyết vấn đề về khả năng mở rộng.
Multi DAG layer
Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy so sánh Multi DAG COTI với Multi DAG của Ethereum. Cả hai đều là cơ sở hạ tầng phi tập trung chung, đóng vai trò như một cổng cho nhiều token và smart contract trong khi sử dụng một token gốc để chạy các giao dịch. Thông qua giao thức Multi DAG, COTI cho phép các nhà phát hành token xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của họ và đặt ra các quy tắc riêng. COTI Multi DAG cung cấp cho các đơn vị này quyền kiểm soát tổng thể đối với mạng, bao gồm cả việc thiết lập các quy tắc của riêng họ.
Các bản Multi DAG lưu giữ tất cả các tính năng vốn có của hệ sinh thái COTI, bao gồm phí thấp, nhanh chóng, tính nhất quán, quyền riêng tư, khả năng mở rộng và tuân thủ quy định. Vì vậy, khi một giao dịch diễn ra trên Multi DAG, phí sẽ được tính bằng đồng COTI (token của giao thức), từ đó làm tăng nhu cầu sử dụng token và cải thiện giá trị của mạng.
Multi DAG 2.0
Sau khi phát hành Trustchain 2.0, nền tảng này đã hoạt động trên một phiên bản cải tiến của Multi DAG là Multi DAG 2.0. Việc khởi chạy Multi DAG 2.0 cho phép người dùng có thể phát hành token của họ trên trust chain, đồng thời giao dịch token trên nhiều ví như COTI Pay…
4. COTI cho doanh nghiệp
Một trong những mục tiêu chính của COTI là cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu cho doanh nghiệp. Thông qua COTI Pay, các công ty và tổ chức có thể xử lý tất cả các loại thanh toán, và cả những khoản thanh toán bằng stablecoin, thẻ tín dụng và tiền điện tử.
Người bán có thể kiếm lãi bằng stablecoin và đăng ký các khoản vay doanh nghiệp trên ứng dụng COTI Pay Business. Người dùng cũng có thể sử dụng tiền điện tử và tiền fiat bằng thẻ debit trên ứng dụng COTI Pay.
5. Điều gì giúp COTI trở nên độc đáo?
- Thứ nhất, COTI được xem là nền tảng toàn cầu đầu tiên được xây dựng để tạo ra một stablecoin với giá cả ổn định, cho phép người dùng phát hành stablecoin và có toàn quyền kiểm soát dữ liệu của chính mình.
- Thứ hai, quyền riêng tư là một tính năng nổi bật của COTI. Nền tảng ưu tiên bảo vệ dữ liệu thông qua việc tạo một số địa chỉ với one-way hash cho mỗi đợt sale.
- Thứ ba, bảo mật cũng là tính năng hàng đầu của COTI. Người dùng phải tuân thủ các quy định Xác thực danh tính khách hàng (KYC) và Chống rửa tiền (AML) khi tham gia hệ sinh thái.
6. Các trường hợp sử dụng COTI
- Công cụ xử lý: COTI Pay đang phát triển các công cụ xử lý cho phép người bán bắt đầu chấp nhận thanh toán từ chủ sở hữu COTI Pay wallet. Người tiêu dùng truy cập trang web của người bán được COTI Pay hỗ trợ, nhưng không giữ COTI Pay wallet, sẽ được mời mở ví ngay lập tức như một phần của quy trình thanh toán. Ngoài ra, người bán sẽ có thể quyết định xem họ có muốn tích hợp trang web và phương thức thanh toán của mình với COTI Pay thông qua API hoặc iFrame hay không. Quá trình tích hợp sẽ được hỗ trợ bởi các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopify, eBay và Magento.
- Thẻ ghi nợ: Để có quá trình tích hợp dễ dàng, COTI Pay cung cấp cho người dùng quyền truy cập vào thẻ ghi nợ kết nối trực tiếp với COTI Pay wallet. Ý tưởng này giúp giảm bớt quy trình thanh toán thông qua COTI Pay wallet khi người dùng chưa sử dụng COTI Pay. Người dùng COTI Pay có thể chọn loại tiền điện tử yêu thích của họ khi tạo virtual debit card. Ngoài ra, các chức năng của COTI-X tạo tính thanh khoản cho các token được phát hành trong blockchain của COTI, phục vụ nhu cầu chuyển đổi tiền tệ. Khi giao dịch được thực hiện bằng thẻ được kết nối với đơn vị tiền tệ không khớp với đơn vị tiền tệ thanh toán, COTI-X định giá đơn vị tiền tệ đó và quy đổi nó thành số tiền tương đương của đơn vị tiền tệ được liên kết với thẻ. Điều này cải thiện tính minh bạch và loại bỏ nhu cầu về phí trao đổi của người trung gian.
- Wallet: COTI còn cung cấp multi-currency wallet cho phép truy cập nhanh và liền mạch vào COTI Pay. Các ví này tương thích với nhiều phương thức thanh toán khác nhau, từ đó tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng.
- Giao dịch ngang hàng: Người dùng COTI Pay có thể chuyển khoản cho những người có COTI Pay wallet nhanh chóng và dễ dàng. Lưu ý, các giao dịch này sẽ mất một khoản phí không đáng kể (tùy thuộc vào Trust Score của người dùng và đơn vị tiền tệ đã chọn).
- Nearby wallet-to-wallet transaction: Chủ sở hữu COTI Pay wallet cũng sẽ có thể chuyển tiền một cách an toàn và ngay lập tức cho những chủ sở hữu COTI Pay wallet khác khi ở gần nhau.
- Lưu trữ tiền điện tử và tiền fiat: Người dùng COTI Pay có thể sử dụng ví COTI Pay wallet để gửi tiết kiệm tiền điện tử và tiền fiat như hình thức gửi tiết kiệm truyền thống. Ngoài ra, họ có thể gửi tiền vào COTI Pay wallet từ thẻ, chuyển khoản ngân hàng và các loại tiền điện tử phổ biến như BTC và ETH.
7. Coti Treasury
COTI Treasury là nền tảng cho vay các sản phẩm và dịch vụ trong hệ sinh thái COTI để nhận lại phần thưởng. Người dùng có thể gửi COTI vào pool thanh khoản để nhận lãi suất thông qua Treasury. Chức năng này ra mắt vào tháng 2/2022, đã thu được hơn 330 triệu token COTI gửi vào Treasury.
Bạn có thể stake COTI của mình bằng cách gửi nó vào pool. Phần thưởng APY COTI tùy thuộc vào số tiền gửi và thời gian khóa. Thông qua stake, người dùng có được một số đặc quyền đối với hệ sinh thái và treasury pool. Sau khi hoàn thành thời gian khóa COTI, bạn có thể rút tiền cùng phần thưởng hoặc tham gia stake mới với các thời gian tùy chọn là 30 ngày, 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm.
8. Roadmap
Hệ sinh thái COTI được thành lập vào tháng 6/2017, và whitepaper được báo cáo sau đó 3 tháng. Năm 2022 COTI cũng đã công bố kế hoạch bao gồm Multi DAG 2.0, Treasury Upgrades, và ra mắt Djed.
Token COTI là gì?
1. Thông tin chung
COTI là token tiện ích của hệ sinh thái COTI. COTI sử dụng Proof of Trust để bảo mật mạng, từ đó tiết kiệm năng lượng đáng kể. Token này hoạt động trên ba mạng chính: Trustchain, Ethereum và BNB Chain.
- Trustchain: Mạng chính COTI.
- Ethereum: Token COTI thuộc ERC-20.
- BNB Chain: Token COTI cũng thuộc BEP-2 và BEP-20 .
2. Tokenomics
Hiện tại, giá COTI đang giao dịch ở mức 0.11 USD, với nguồn cung lưu hành là 1.05 tỷ token và tổng nguồn cung tối đa là 2 tỷ. Vốn hóa thị trường hiện tại của nền tảng này khoảng 120 triệu USD.
3. Phân bổ token
- Token sale: Gồm cả private và public sale với thời gian khóa lên đến 24 tháng. Nó chiếm 30% tổng cung.
- Dự trữ: Nền tảng đã dự trữ 22% tổng cung token để thúc đẩy sự phát triển và ổn định của mạng. Những người nắm giữ COTI có thể mua token này khi phát hành từ Reserve trong tương lai.
- Đội ngũ: Đội ngũ sẽ nhận được 15% tổng cung token như động lực cho việc tham gia ban đầu và nỗ lực liên tục trong việc ổn định mạng. Số token này bị khóa trong sáu tháng đầu tiên, sau đó được phát hành hàng quý trong 24 tháng.
- Đối tác và Cố vấn: Họ nhận được 10% tổng cung để ghi nhận các nguồn lực đã cung cấp để phát triển các dự án COTI.
- Validator và người dùng: 13% nguồn cung dành cho validator để công nhận sự đóng góp từ ban đầu của họ.
- Thanh khoản: 10% tổng cung cung cấp tính thanh khoản cho thị trường COTI đang phát triển.
Về cốt lõi, COTI được sử dụng để giao dịch trong hệ sinh thái, bao gồm phí và staking. Nền tảng cũng cung cấp các tùy chọn thanh toán tiềm năng và ứng dụng khác để tăng cường tiện ích và ổn định giá token. Chủ sở hữu COTI có thể gửi tiền vào treasury pool để staking DeFi và nhận phần thưởng. Ngoài ra, họ cũng có thể sử dụng COTI làm cầu nối để giao dịch giữa hai blockchain khác nhau.
4. Quản trị token
Để chạy full node, người dùng cần stake 100,000 COTI cho mỗi node để nhận mức phí tương ứng cho mỗi giao dịch. Đối với Advanced Node, số lượng COTI cần stake là 250,000 với phần thưởng 25% APY. Phần thưởng cho các nhà khai thác node COTI được phân phối công bằng, hiệu quả và linh hoạt dựa trên tất cả các khoản phí được phân phối và yêu cầu staking.
5. Giá và dự đoán giá
Một số chuyên gia tiền điện tử đã dự đoán giá COTI trong năm 2022. Cụ thể, vào tháng 5/2022:
- Wallet Investor dự đoán token này sẽ giao dịch ở mức 0.38 USD, đến năm 2027 có thể đạt 1.1 USD.
- Gov Capital cũng đưa ra dự đoán về giá COTI, cụ thể nó sẽ đạt 0.83 USD vào năm 2023 và lên khoảng 5.1 USD vào năm 2027.
Tuy nhiên, thị trường tiền điện tử luôn có những biến động khó lường và không có gì được đảm bảo. Vì vậy, trước khi mua COTI hay bất kỳ token nào bạn phải tự nghiên cứu và xây dựng chiến lược đầu tư cho riêng mình. Hơn nữa, bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những rủi ro, mất mát tài sản có thể xảy ra.
6. Sàn giao dịch và ví lưu trữ COTI
- Sàn giao dịch: Hiện tại, người dùng có thể mua và sở hữu COTI thông qua một số sàn CEX lớn như Binance, Houbi Global, Coinbase… Ngoài ra chúng ta cũng có thể lựa chọn một số sàn DEX như Binance DEX hay Uniswap…
- Ví lưu trữ COTI: Trước hết, người dùng có thể lưu trữ COTI trong ví nóng của các sàn CEX kể trên. Ngoài ra, đừng quên là chúng ta có COTI Pay wallet để thực hiện lưu trữ chúng.
Lời kết
COTI là một dự án có chiến lược và mục tiêu rất hấp dẫn trong ngành công nghiệp fintech rộng lớn, nhưng nó còn khá non trẻ và để đạt được khả năng mở rộng toàn cầu cần có sự trợ giúp của các nhà giao dịch, market maker và các mediator. Trước khi quyết định đầu tư COTI, bạn cần cân nhắc cũng như xem xét tổng quan thị trường để đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho mình.
Hi vọng thông qua bài viết này, BeInCrypto đã mang đến cho bạn những kiến thức cần thiết về dự án COTI (Currency of the Internet) và đồng COTI. Hãy tham gia nhóm Telegram của chúng tôi để cập nhật thêm những bài viết khác nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản một cách thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Người đọc tự trách nhiệm với bất kỳ hành động nào thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi.
Tại Learn, ưu tiên của chúng tôi là cung cấp thông tin chất lượng cao. Chúng tôi dành thời gian để xác định, nghiên cứu và tạo ra nội dung giáo dục hữu ích cho độc giả.
Để duy trì tiêu chuẩn này và tiếp tục tạo ra nội dung tuyệt vời, các đối tác của chúng tôi có thể thưởng cho chúng tôi một khoản hoa hồng cho các vị trí trong bài viết của chúng tôi. Tuy nhiên, những khoản hoa hồng này không ảnh hưởng đến quy trình tạo nội dung không thiên vị, trung thực và hữu ích của chúng tôi.