Trusted

Crowdloan là gì? Giải mã hình thức kêu gọi vốn mới trên Kusama và Polkadot

7 mins
Cập nhật bởi SEO
Tham gia cộng đồng giao dịch của chúng tôi trên Telegram

In Brief

  • Crowdloan trên Kusama và Polkadot là gì?
  • Những điều người dùng cần lưu ý khi tham gia Crowdloan.

Đối với PolkadotKusama, Crowdloan là một cách để các dự án mới thu hút được sự hỗ trợ từ cộng đồng để họ có đủ điều kiện kết nối với mạng Kusama hoặc Polkadot. Vậy cụ thể Crowdloan là gì? Và ở khía cạnh người dùng, tham gia Crowdloan cần lưu ý những gì? Hãy cùng BeInCrypto tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.

Crowdloan: Hành trình từ Kusama đến Polkadot

Kusama và Polkadot là hai nền tảng khởi xướng nên các chiến dịch Crowdloan bởi lẽ nó liên quan đến cơ chế vận hành của hai mạng lưới trên. Hãy xem thuật ngữ Crowdloan ra đời như thế nào nhé.

1. Nguồn gốc hình thành Crowdloan

Về cơ bản, cấu trúc của blockchain như Polkadot, Kusama là một dạng chuỗi khối không đồng nhất. Nó gồm có ba phần chính là relaychain, parachain và các bridge. Mỗi thành phần này sẽ giữ một vai trò và chức năng khác nhau trong quá trình vận hành của mạng lưới. Bạn có thể hiểu thế này.

  • Parachain: Đây là chuỗi con trực thuộc mạng lưới chính của Polkadot, có thể hoạt động độc lập. Thông qua parachain, vấn đề mở rộng mạng lưới được giải quyết một cách dễ dàng.
  • Relaychain: Là trung tâm của mạng Polkadot. Nó chịu trách nhiệm xác minh thông tin, bảo vệ và điều phối các parachain cũng như bảo mật của toàn bộ mạng. Hiểu đơn giản là các parachain sẽ kết nối với mạng Polkadot thông qua các relaychain này. Mỗi parachain sẽ kết nối với relaychain thông qua các slot.

Vì nhiều lý do khác nhau như tính hiệu quả hay khả năng bảo mật, số lượng slot cùng lúc trên relaychain sẽ bị giới hạn (khoảng 100 slot). Để đảm bảo sự phân phối một cách công bằng, các slot này sẽ không được bán mà chỉ cho thuê. Việc thuê này được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu parachain (parachain auction). Các dự án cần sử dụng một lượng token DOT hoặc KSM để tham gia quá trình đấu thầu này.

Về cơ bản, dự án kêu gọi được càng nhiều DOT/KSM thì tỷ lệ thắng thầu càng lớn. Do đó, các dự án sẽ kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng để cùng chung tay góp sức giúp dự án thắng thầu được các vị trí slot. Và đây chính là nguồn gốc cho xu hướng Crowdloan trên Kusama và Polkadot mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở các phần sau.

2. Crowdloan là gì?

Như vậy, có thể hiểu Crowdloan là một hình thức kêu gọi vốn cộng đồng để giúp các dự án thắng thầu và chiếm được một slot trên relaychain. Hãy hình dung thế này, giả sử có 5 dự án A, B, C, D, E đều mong muốn có một slot trên relaychain. Cả 5 sẽ cùng tham gia vào phiên đấu giá để tìm ra người thắng cuộc. Họ sẽ kêu gọi người dùng đóng góp token (DOT/KSM) vào dự án để giúp dự án thắng thầu. Đổi lại, người dùng sẽ nhận về phần thưởng là các token gốc của dự án đó.

Khi tham gia vào Crowdloan như vậy, token của người dùng sẽ bị tạm khóa lại trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu như dự án thất bại trong quá trình đấu thầu, token của người dùng sẽ được trả lại ngay sau khi phiên đầu giá kết thúc. Nhưng nếu dự án thắng thấu, token sẽ bị khóa cho đến khi thời hạn thuê slot kết thúc.

Trên thực tế, bản thân người dùng không cho các dự án vay tiền. Mọi việc chỉ dừng lại ở việc đóng góp để thể hiện sức mạnh cộng đồng, sự quan tâm đến dự án,… Bản thân các token DOT/KSM của người dùng bị khóa vào tài khoản được quản lý bởi Kusama hoặc Polkadot trong một khoảng thời gian được chỉ định. Và phần thưởng người dùng nhận được xem như là một phần tri ân nỗ lực giúp dự án thành công trong phiên đấu giá mà thôi.

Các dự án có thể đặt mức đóng góp tối đa hoặc tối thiểu cho mỗi địa chỉ cho việc Crowdloan của họ. Nhưng theo mặc định, tối thiểu Crowdloan trên Kusama sẽ cần 0.1 KSM và trên Polkadot là 5 DOT. Ngoài ra, các cá nhân có thể tăng lượng đóng góp của họ trong suốt quá trình đấu giá. Thời gian cho thuê trên Polkadot là 96 tuần, trong khi trên Kusama là 48 tuần.

3. Crowdloan mang lại lợi ích gì?

Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy Crowdloan mang lại lợi ích cho cả ba bên gồm mạng lưới Polkadot/Kusama, dự án và người dùng. Đây là mối quan hệ win-win. Cụ thể như sau:

  • Đối với mạng lưới Polkadot/Kusama: Càng nhiều dự án tham gia đấu thầu càng chứng tỏ sức hút của mạng lưới. Nhưng với cơ chế đấu giá, các dự án sẽ cần nỗ lực để có thể chiến thắng được. Thông qua các vòng Crowdloan, họ sẽ cần phải chứng minh sức hút của mình đối với người dùng. Do đó, mạng lưới Polkadot/Kusama sẽ gia tăng các dự án chất lượng cho chính mình.
  • Đối với dự án: Đây là cách để họ có thể huy động tiềm lực cộng đồng để giúp mình thắng thầu. Nếu như dự án hấp dẫn, cộng đồng đông thì tỷ lệ thắng sẽ cao và ngược lại.
  • Đối với người dùng: Họ sẽ có thêm một kênh để sinh lời từ việc nắm giữ các token DOT/KSM của mình. Tham gia Crowdloan cho một dự án, họ sẽ nhận được token gốc của dự án đó. Nếu dự án phát triển, token đó sẽ có tiềm năng tăng giá trong tương lai.

4. Các loại phần thưởng Crowdloan

Các dự án sẽ đưa ra các kế hoạch trả thưởng cho người dùng tham gia Crowdloan hỗ trợ dự án. Như đã nói ở trên, phần thưởng này thường sẽ là các token gốc của dự án đó. Ngoài ra, một phần thưởng bên ngoài chuỗi cũng có thể là thứ mà người dùng có thể nhận được. Đương nhiên, cơ chế trả thưởng sẽ phụ thuộc vào chính sách của dự án đó.

Điều này có nghĩa là các dự án có thể cung cấp phần thưởng cho việc đăng ký trước Crowdloan, đóng góp sớm,… Phần thưởng cũng có thể được phân phối ngay cả khi chiến dịch Crowdloan không thành công và dự án không giành được vị trí parachain. Thậm chí, cũng có thể có một phần thưởng bất ngờ được công bố sau khi một dự án đã giành được vị trí. Do đó, chúng ta nên chú ý đến kế hoạch trao thưởng của từng dự án để nắm bắt được vấn đề này.

5. Các chiến dịch Crowdloan sẽ kéo dài bao lâu?

Hiện tại, các chiến dịch Crowdloan trên Kusama và Polkadot thường chỉ diễn ra trong 1 tuần. Đây là thời điểm token của người dùng sẽ bị khóa lại để chờ đợi kết quả của phiên đấu giá. Mỗi dự án nếu thất bại có thể tham gia nhiều phiên đấu giá khác nhau. Và để token của người dùng không bị khóa quá lâu khi các dự án tham gia liên tiếp nhiều phiên đấu giá, ngày kết thúc sẽ được đặt ra. Khi kết thúc phiên, nếu dự án không dành được chiến thắng, token của người dùng sẽ được trả lại.

Các chiến dịch Crowdloan trên Polkadot và Kusama kéo dài khoảng 1 tuần. Nguồn: parachains.info.
Các chiến dịch Crowdloan trên Polkadot và Kusama kéo dài khoảng 1 tuần. Nguồn: parachains.info.

6. Người dùng có thể tham gia Crowdloan ở đâu?

Dựa trên các dự án đã tổ chức Crowdloan trên Kusama cho đến nay, có hai cách mà các cá nhân có thể tham gia. Chúng ta có thể chia ra dựa trên hình thức on-chain hay off-chain như sau:

  • On-chain: Trực tiếp thông qua Polkadot.js GUI, người dùng sẽ đóng góp trực tiếp trên chuỗi bằng GUI của Polkadot. Hoặc người dùng có thể tham gia thông qua trang dashboard tùy chỉnh được tạo bởi dự án parachain.
  • Off-chain: Thông qua nền tảng của các bên thứ ba như Binance hoặc Coinlist. Để tham gia, một cá nhân chỉ cần truy cập vào nền tảng của Custodian đó và làm theo hướng dẫn của họ.
Tham gia Crowdloan trên Kusama.
Tham gia Crowdloan trên Kusama.

Những điều người dùng cần lưu ý khi tham gia Crowdloan

Với tư cách là người dùng, chúng ta sẽ không cung cấp DOT của mình cho nhóm. Thay vào đó, chúng ta sẽ cung cấp vào relaychain cho dự án. Chúng ta cần hiểu rằng, đối với Crowdloan, bản thân người dùng sẽ không trực tiếp cho các dự án vay tiền. Nhóm không bao giờ sở hữu DOT/KSM của các người dùng trong quá trình này.

Tuy nhiên, một số dự án parachain đã và đang sử dụng các cơ chế bổ sung để tạo nguồn giá thầu parachain của họ. Nó bao gồm cả việc trực tiếp gửi DOT/KSM đến các tài khoản thuộc sở hữu của dự án parachain. Lưu ý rằng việc huy động token theo cách này không được coi là Crowdloan. Và điều này cũng có những rủi ro nhất định mà người dùng cần phải lường trước.

Khi token được chuyển ra đến một địa chỉ có nghĩa nó sẽ không thể hủy ngang. Bất kỳ ai sở hữu địa chỉ nhận đều toàn quyền quyết định với lượng token nhận được đó. Nếu bạn quyết định tham gia vào một cơ chế yêu cầu chuyển DOT/KSM đến một địa chỉ sử dụng chuyển giao bên ngoài, bạn nên nghiên cứu sâu và tin tưởng vào dự án, đồng thời nhận thức được những rủi ro liên quan.

Lời kết

Crowdloan cũng tương tự như ICO mang đến cho các cá nhân cơ hội lịch sử để trở thành một phần của sự ra mắt của một dự án mới. Bằng cách thưởng cho những người đóng góp từ cộng đồng bằng token gốc, các khoản vay từ cộng đồng có thể thúc đẩy một cách tiếp cận công bằng và bền vững hơn đối với việc phân phối token của dự án.

Các cuộc đấu giá trên Kusama đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2021. Mới đây, Polkadot cũng thông báo sẽ bắt đầu phiên đấu giá đầu tiên vào ngày 11/11/2021. Chúng tôi sẽ cập nhật đến độc giả diễn biến của các đợt đấu giá của PolkadotKusama trong các phần tin tức tại BeInCrypto nhé.

🎄Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 12 năm 2024
🎄Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 12 năm 2024
🎄Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 12 năm 2024

Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản một cách thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Người đọc tự trách nhiệm với bất kỳ hành động nào thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi.
Tại Learn, ưu tiên của chúng tôi là cung cấp thông tin chất lượng cao. Chúng tôi dành thời gian để xác định, nghiên cứu và tạo ra nội dung giáo dục hữu ích cho độc giả.
Để duy trì tiêu chuẩn này và tiếp tục tạo ra nội dung tuyệt vời, các đối tác của chúng tôi có thể thưởng cho chúng tôi một khoản hoa hồng cho các vị trí trong bài viết của chúng tôi. Tuy nhiên, những khoản hoa hồng này không ảnh hưởng đến quy trình tạo nội dung không thiên vị, trung thực và hữu ích của chúng tôi.

builink-vietnamese-cryptocurrency-content-writer-and-editor.jpg
Bùi Linh
Linh Bùi (builink) là một nhà sáng tạo nội dung trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các bài viết chuyên về kiến thức về thị trường tiền điện tử, builink đảm nhận công việc biên soạn các bài viết về kinh nghiệm, kiến thức cho người mới cũng như cập nhật các tin tức HOT trên thị trường thông qua những góc nhìn đa chiều hơn. Ngoài ra, builink còn giữ vai trò tổng biên tập tại BeInCrypto Việt Nam. Nhờ vào văn phong báo chí dễ tiếp cận đến độc giả...
Chi tiết
Được tài trợ
Được tài trợ