Trusted

Parabolic SAR là gì? Cách sử dụng chỉ báo PSAR trong giao dịch

10 mins
Cập nhật bởi Bùi Linh
Tham gia cộng đồng giao dịch của chúng tôi trên Telegram

Parabolic SAR (PSAR) là một chỉ báo kỹ thuật giúp các nhà giao dịch có thể dự đoán được xu hướng giá của bất kỳ loại tài sản nào trên thị trường.

Những điều cần biết về chỉ báo Parabolic SAR

Parabolic SAR là một trong nhiều chỉ báo được tạo ra bởi J. Welles Wilder Jr. Việc sử dụng công cụ chỉ báo này khá đơn giản và nó tuân theo một vài quy tắc nhất định. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về công cụ chỉ báo SAR là gì cũng như những lợi ích mà nó mang lại cho các nhà giao dịch hiện nay. 

Khái niệm chỉ báo Parabolic SAR là gì?

Parabolic SAR (viết tắt của cụm từ Parabolic Stop And Reserve – PSAR) có nghĩa là quá trình dừng lại và đảo chiều xu hướng theo hình Parabol. Hãy hình dung về một hình Parabol trong toán học, chúng ta sẽ nhận thấy dạng chỉ báo này không đơn thuần chỉ là một con số giúp nhà giao dịch xác định xu hướng của thị trường. Hơn thế nữa, Parabolic SAR còn đưa ra các gợi ý khi nào giao dịch nên được đóng lại và đảo ngược xu hướng hiện tại trên thị trường.

Chỉ báo Parabolic SAR (các chấm màu xanh)
Chỉ báo Parabolic SAR (các chấm màu xanh)

Cách thức hoạt động của Parabolic SAR là gì?

Chỉ báo Parabolic SAR được hình thành bởi một tập hợp các chấm nhỏ nằm trên hoặc nằm dưới biểu đồ giá của tài sản. Mỗi chấm nhỏ này đại diện cho giá trị của chỉ báo SAR tại một thời điểm nhất định. J. Welles Wilder Jr đã tính toán và sắp xếp các chấm nhỏ này thành một mô hình cong (tương tự như Parabol) mà chúng ta sẽ thấy trong các biểu đồ ví dụ dưới đây.

Việc các chấm nhỏ này nằm trên hay nằm dưới biểu đồ giá đều tuân theo các quy tắc sau đây:

  • Quy tắc 1: Các dấu chấm SAR sẽ xuất hiện bên trên biểu đồ giá khi xu hướng giảm của giá xuất hiện.
  • Quy tắc 2: Các dấu chấm SAR sẽ xuất hiện bên dưới biểu đồ giá khi xu hướng tăng của giá xuất hiện.
  • Quy tắc 3: Khoảng cách giữa biểu đồ giá và các dấu chấm SAR càng lớn biểu thị cho xu hướng thị trường tăng mạnh/giảm mạnh.
  • Quy tắc 4: Khi biểu đồ giá và các dấu chấm SAR thường xuyên cắt nhau biểu thị thị trường không có xu hướng hoặc xu hướng đi ngang.

Cách tính toán chỉ báo Parabolic SAR là gì?

Công thức tính toán chỉ báo Parabolic SAR như sau:

PSAR (n+1) = PSAR (n) + AF x (EP – PSAR (n))

Trong đó:

  • PSAR (n): Là chỉ báo PSAR ở thời điểm hiện tại. Chỉ báo này đã có sẵn.
  • AF: Là một chỉ số gia tốc được sử dụng trong công thức trên. Mặc định chỉ số này giữ giá trị 0.02. 
  • EP: Là điểm cực trị tương ứng với mỗi xu hướng khác nhau. Nếu là xu hướng tăng, EP tương ứng với giá trị cao nhất. Ngược lại, nếu là xu hướng giảm, EP giữ giá trị thấp nhất.
  • PSAR (n+1): Là chỉ báo SAR cần tính toán tiếp theo. 

Lưu ý:

  • Nhà giao dịch có thể thay đổi chỉ số AF thay vì giữ giá trị mặc định 0.02. Tuy nhiên, việc thay đổi này sẽ có thể dẫn đến sự sai lệch lớn trong tính toán.
  • Ngày nay, việc tính toán chỉ báo Parabolic SAR đã được tự động tích hợp vào các nền tảng giao dịch hiện tại. Do đó, nhà giao dịch không cần thiết phải tính toán thủ công cho chỉ số này nữa. Việc tính toán này chỉ nhằm mục đích giúp họ hiểu kỹ hơn về chỉ báo này.

3 trường hợp sử dụng chỉ báo Parabolic SAR trong giao dịch

Như BeInCrypto đã chia sẻ ở trên, chỉ báo Parabolic SAR có thể chỉ ra xu hướng cũng như các điểm đảo chiều trong một biểu đồ giá. Do đó, các nhà giao dịch có thể sử dụng chỉ báo này trong ba trường hợp dưới đây:

Trường hợp 1: Sử dụng SAR để xác định điểm vào và thoát lệnh

  • Trong một xu hướng tăng (Bullish), các chấm SAR nằm bên dưới biểu đồ giá. Nếu như nhà giao dịch đang duy trì một lệnh Mua (Buy), họ sẽ có thể chốt lệnh khi thấy xuất hiện các chấm SAR nằm bên trên biểu đồ giá.
  • Trong một xu hướng giảm (Bearish), các chấm SAR nằm bên trên biểu đồ giá. Nếu như nhà giao dịch đang duy trì một lệnh Bán (Sell), họ sẽ có thể chốt lệnh khi thấy xuất hiện các chấm SAR dịch chuyển dần xuống dưới biểu đồ giá.

Tóm lại, trong trường hợp này, các nhà giao dịch sẽ thường vào lệnh khi các chấm SAR trở nên dốc và cách giá một đoạn nhất định. Điểm Cắt lỗ (Stop-loss) thông thường sẽ được đặt bên trên hoặc bên dưới chấm SAR hiện tại. Điểm Chốt lời (Take-profit) thường sẽ được để mở hoặc tùy vào chiến lược của từng nhà giao dịch khác nhau.

Trường hợp 2: Sử dụng SAR để xác định xu hướng

Để xác định xu hướng dựa theo chỉ báo Parabolic SAR, chúng ta sẽ cần áp dụng quy tắc 3 điểm như sau:

  • Trong một xu hướng tăng, nếu thấy xuất hiện chỉ 1 chấm SAR bên trên biểu đồ giá, tương tự như trường hợp 1 nhà giao dịch có thể cân nhắc cắt lệnh Mua (Buy).
  • Tương tự như trên nhưng nếu thấy 3 chấm SAR liên tục bên trên biểu đồ giá, lúc này xu hướng có thể sẽ đảo chiều. Ta có thể cân nhắc để tìm kiếm điểm tạo lệnh Sell.

Như vậy, xu hướng tăng sẽ được xác định khi biểu đồ giá tịnh tiến dần lên bên trên các chấm SAR. Và ngược lại, xu hướng giảm được xác định khi giá di chuyển xuống bên dưới các chấm SAR.

Trường hợp 3: Sử dụng SAR để xác định điểm dịch chuyển Stop-loss

Điểm Stop-loss giúp các nhà giao dịch giảm thiểu tối đa rủi ro trong công tác quản lý vốn của mình. Điều này đồng nghĩa với việc, khi thị trường tiến triển theo xu hướng tốt, các mức Stop-loss cũ sẽ bị phá bỏ và dịch chuyển dần theo những biến động mới của giá. Kỹ thuật này còn được gọi là Trailing stop. 

Trong một xu hướng tăng, các nhà giao dịch sẽ có thể tạo một lệnh Mua (Buy) đồng thời đặt một điểm Stop-loss tương ứng với nó. Giá tiếp tục tăng lên, lúc này các chấm Parabolic SAR cũng sẽ tăng theo giá. Và đó chính là dấu hiệu để các nhà giao dịch tiến hành dịch chuyển điểm Stop-loss của mình sang một vị trí mới.

Ưu điểm và nhược điểm của công cụ Parabolic SAR

Trong vai trò là một chỉ báo xác định xu hướng, Parabolic SAR cũng có những ưu nhược điểm riêng của nó. Cụ thể là gì, phần tiếp theo trong bài viết này chúng ta sẽ cùng phân tích những ưu nhược điểm này của nó nhé.

Ưu điểm

Về cơ bản, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một chỉ báo SAR mang lại những lợi thế sau đây cho các nhà giao dịch:

  • Xác định rõ thời gian và xu hướng của thị trường: Không khó để chúng ta có thể vận hành và sử dụng được chỉ báo SAR trong giao dịch. Chúng ta chỉ cần nhớ, chỉ báo SAR nằm trên biểu đồ giá báo hiệu xu hướng giảm và ngược lại.
  • Tìm kiếm các điểm ra vào lệnh: Qua việc phân tích dựa trên việc dự báo trước xu hướng của thị trường, điều này cũng tạo cơ hội cho các nhà giao dịch tìm thấy những cơ hội trên thị trường. Để từ đó giúp họ có thể nhận biết các điểm ra vào lệnh phù hợp.
  • Xác định các điểm Stop-loss mới: Quá trình sử dụng chỉ báo Parabolic SAR, các điểm Stop-loss mới sẽ được hình thành. Từ đó, nó giúp cho các nhà giao dịch có thể kiểm soát tốt nguồn vốn đầu tư của mình.

Nhược điểm

Mặc dù Parabolic SAR mang lại nhiều lợi ích cho các nhà giao dịch là vậy song trên thực tế nó cũng có các hạn chế nhất định:

  • Giao dịch bị trễ: Quay trở lại với trường hợp 2 ở trên, khi biểu đồ giá xuất hiện đến 3 chấm SAR thì có thể biểu đồ giá đã tiến hành đảo chiều được một đoạn rồi. Do đó, khi thao tác lệnh ở thời điểm này, bằng việc sử dụng công cụ chỉ báo SAR, phần nào nhà giao dịch sẽ bị thiệt hại đôi chút.
  • Không hiệu quả khi thị trường ít biến động (Sideway): Trên thực tế, Parabolic SAR đặc biệt hữu ích đối với các thị trường biến động mạnh. Nhưng ngược lại, chỉ báo Parabolic SAR sẽ kém hiệu quả đối với các thị trường ít biến động hoặc đi ngang. Lúc này, nó có thể đưa ra các tín hiệu nhiễu gây ảnh hưởng đến kết quả giao dịch.

Không riêng gì chỉ báo Parabolic SAR, các chỉ báo kỹ thuật khác cũng chỉ mang tính chất định tính. Nó luôn tồn tại những hạn chế và kém hiệu quả trong một số điều kiện của thị trường. Để giải quyết những điểm hạn chế này, phương pháp kết hợp nhiều loại chỉ báo với nhau thường được xem như là một giải pháp thích hợp mà các nhà giao dịch hay sử dụng. Ở phần tiếp theo trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách kết hợp Parabolic SAR với một số chỉ báo khác nhé.

Kết hợp Parabolic SAR với các chỉ báo khác

Việc kết hợp chỉ báo Parabolic SAR với các chỉ báo khác nhằm mục đích khắc phục những hạn chế nhất định kể trên. Dưới đây là hai trong nhiều cách kết hợp thường được các nhà giao dịch sử dụng.

Kết hợp với đường hỗ trợ và kháng cự

Vùng hỗ trợ và kháng cự cũng là một trong nhiều chỉ số thường dùng bởi các nhà giao dịch. Việc kết hợp giữa Parabolic SAR và hỗ trợ kháng cự cũng giúp đưa ra những tín hiệu giao dịch nhanh và hiệu quả mà không cần chờ đến quy tắc 3 điểm như ở trường hợp 2 bên trên. Cụ thể:

  • Tín hiệu 1: Nếu như các chấm Parabolic SAR nằm bên trên biểu đồ giá, theo trường hợp 2 nếu thấy 3 chấm liền nhau thì là dấu hiệu của một sự đảo chiều. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm đó biểu đồ giá đang ở vùng kháng cự mạnh thì nhà giao dịch có thể cân nhắc vào lệnh Bán (Sell) ngay tại chấm đầu tiên.
Nếu thấy 3 chấm liền nhau thì là dấu hiệu của một sự đảo chiều
Nếu thấy 3 chấm liền nhau thì là dấu hiệu của một sự đảo chiều
  • Tín hiệu 2: Nếu thấy một chấm Parabolic SAR nằm trên biểu đồ giá, trong khi mức giá hiện tại đang nằm ở vùng hỗ trợ thì đây là một tín hiệu để nhà giao dịch vào lệnh Mua (Buy).
Một chấm PSAR trên biểu đồ giá
Một chấm PSAR trên biểu đồ giá

Kết hợp với chỉ báo ADX

Chỉ báo Parabolic SAR là một dạng chỉ báo về xu hướng. Trong khi đó, chỉ báo ADX (viết tắt của Average Directional Index) tập trung vào việc xác định sức mạnh của biến động giá. Sự kết hợp của hai chỉ báo này mang đến cho các nhà giao dịch một số tín hiệu như sau:

  • Tín hiệu 1: Khi giá nằm bên trên các chấm PSAR, đồng thời chỉ báo ADX vượt ngưỡng 25 (trong khoảng từ 25-40), lúc này xu hướng tăng ngày càng được củng cố. Tín hiệu mua sẽ xuất hiện tại đây. Trong ví dụ dưới đây, ADX ở mức 30.5 và PSAR nằm dưới biểu đồ giá.
PSAR dưới biểu đồ giá và ADX ở mức 30
PSAR dưới biểu đồ giá và ADX ở mức 30
  • Tín hiệu 2: Khi giá nằm bên dưới các chấm Parabolic SAR, đồng thời chỉ báo ADX vượt ngưỡng 25 (trong khoảng từ 25-40), lúc này xu hướng giảm được hình thành. Tín hiệu bán sẽ xuất hiện. Trong ví dụ dưới đây, ADX ở mức 26.54 và chỉ báo PSAR nằm trên biểu đồ giá.
PSAR kết hợp với ADX để tìm điểm mua bán trên biểu đồ giá.
PSAR kết hợp với ADX để tìm điểm mua bán trên biểu đồ giá.

Lưu ý: Chỉ báo ADX chỉ nên dừng lại ở mức từ 25-40 mà thôi, con số lý tưởng ở mức 25. Nếu như chỉ báo ADX vượt mức 50, nhà giao dịch không nên vào lệnh vì sẽ có khả năng xảy ra một đợt đảo chiều bất ngờ. Như ví dụ trong hình dưới đây, chỉ báo ADX ở mức 54.97.

Khi chỉ báo ADX vượt mức 50, nguy cơ về một đợt đảo chiều sẽ xảy ra.
Khi chỉ báo ADX vượt mức 50, nguy cơ về một đợt đảo chiều sẽ xảy ra.

Lời kết

Như vậy, việc sử dụng chỉ báo Parabolic SAR trong việc phân tích biểu đồ giá ngoài việc giúp nhà giao dịch dự đoán được xu hướng, nó còn giúp họ có tìm ra những điểm ra vào lệnh phù hợp. Tuy nhiên, mọi chỉ số đều có những hạn chế nhất định của nó và PSAR cũng tương tự như vậy.

Việc kết hợp nhiều loại chỉ số với nhau trong khi phân tích biểu đồ sẽ giúp giảm đi những tín hiệu nhiễu có thể xảy ra trong quá trình giao dịch. Bài viết này đã đề cập đến hai cách thức kết hợp của hai công cụ khác nhau là ADX và vùng kháng cự, hỗ trợ. Mỗi công cụ này sẽ giúp bổ sung những yếu điểm mà PSAR gặp phải. Từ đó sẽ giúp đưa ra những tín hiệu nhanh và hiệu quả hơn. Ngoài ra, nhà giao dịch có thể kết hợp nó với các kênh giá hoặc mô hình nến cũng có thể mang lại những kết quả bất ngờ.

Tham gia cộng đồng của BeInCrypto để cập nhật những bài viết mới nhất nhé Telegram | Facebook fanpage | Facebook group.

Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 1 năm 2025
Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 1 năm 2025
Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 1 năm 2025

Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản một cách thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Người đọc tự trách nhiệm với bất kỳ hành động nào thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi.
Tại Learn, ưu tiên của chúng tôi là cung cấp thông tin chất lượng cao. Chúng tôi dành thời gian để xác định, nghiên cứu và tạo ra nội dung giáo dục hữu ích cho độc giả.
Để duy trì tiêu chuẩn này và tiếp tục tạo ra nội dung tuyệt vời, các đối tác của chúng tôi có thể thưởng cho chúng tôi một khoản hoa hồng cho các vị trí trong bài viết của chúng tôi. Tuy nhiên, những khoản hoa hồng này không ảnh hưởng đến quy trình tạo nội dung không thiên vị, trung thực và hữu ích của chúng tôi.

Bui-Linh-BIC.jpg
Bùi Linh
Linh Bùi (builink) là một nhà sáng tạo nội dung trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các bài viết chuyên về kiến thức về thị trường tiền điện tử, builink đảm nhận công việc biên soạn các bài viết về kinh nghiệm, kiến thức cho người mới cũng như cập nhật các tin tức HOT trên thị trường thông qua những góc nhìn đa chiều hơn. Ngoài ra, builink còn giữ vai trò tổng biên tập tại BeInCrypto Việt Nam. Nhờ vào văn phong báo chí dễ tiếp cận đến độc giả...
Chi tiết
Được tài trợ
Được tài trợ