Elliott Waves (Sóng Elliott) không chỉ là một phương pháp giao dịch, mà nó còn là một phương pháp để mô tả biến động ngẫu nhiên của thị trường tài chính.
Sóng Elliott là gì?
Sóng Elliott là một lý thuyết phân tích kỹ thuật nhằm để mô tả các biến động giá của một tài sản theo chu kỳ dựa trên tâm lý đám đông, nhằm đưa ra dự đoán tương lai và kế hoạch giao dịch. Lý thuyết này được phát triển bởi kế toán viên Ralph Nelson Elliott (1871-1948) vào những năm 1930.
Các lý thuyết phân tích kỹ thuật như Sóng Elliott chưa bao giờ được xem là một môn khoa học thật sự. Nhưng nó nhanh chóng phổ biến trong giới phân tích kỹ thuật và trở thành một trong những công cụ được sử dụng thường xuyên nhất.
Thị trường Crypto cũng không ngoại lệ, nhiều phân tích cũng áp dụng lý thuyết sóng Elliott cho giá Bitcoin và Altcoin.
Sóng Elliot dựa trên quy luật tự nhiên
Biến động của thị trường vốn được xem là ngẫu nhiên, dù nhiều quan điểm cho rằng mức độ ngẫu nhiên này tùy thời điểm. Bằng quan sát thế giới xung quanh, Elliott đi đến kết luận rằng ngay cả những điều xung quanh chúng ta trông rất hỗn loạn và ngẫu nhiên, nhưng vẫn tuân theo quy luật của sự phân dạng (fractal).
Bằng chứng là, một cái cây dù phát triển các cành rất ngẫu nhiên, nhưng nó thể hiện sự phân dạng từ quy mô lớn đến nhỏ, từ gốc đến ngọn. Hay một con sông chia nhánh lớn ở thượng nguồn, nhưng đến hạ nguồn nó cũng tiếp tục phân chia nhỏ hơn cùng một hình dạng. Cứ thế, quy luật phân dạng đó thể hiện rất nhiều trong thế giới tự nhiên dưới những hình dạng khác nhau.
Dựa trên quan sát đó, Elliott đi xa hơn nữa trong việc cố lý giải: sự biến động của giá cả thị trường dưới tác động của tâm lý giao dịch của số đông có theo quy luật phân dạng như vậy hay không? Và đó là cơ sở nền tảng của lý thuyết sóng Elliot. Nhiều nghiên cứu sau này đi xa hơn khi liên hệ quy luật này với kinh dịch, huyền học… tuy nhiên ít được chú ý vì thiếu cơ sở.
Sóng Elliott là nỗ lực mô hình hóa tâm lý đám đông
Việc dựa trên quy luật tự nhiên để xây dựng nên toàn bộ lý thuyết sóng Elliott cũng là một hành trình.
- Đầu tiên, Elliott giả định động lực đằng sau sự biến động của đường giá là tâm lý đám đông. Đám đông càng đông và quyền lực tác động được phân phối đồng đều thì đường giá càng phản ánh sát với bản chất tâm lý (tham lam & sợ hãi) bên trong.
- Tiếp đến, Elliott xem tâm lý đám đông cũng là một hiện tượng tự nhiên. Nên tâm lý đám đông sẽ có tính mô hình (5 sóng đẩy và 3 sóng điều chỉnh) và tính phân dạng (sóng trong sóng). Ngoài ra, sóng Elliot còn có tính đối xứng (uptrend và downtrend) đại diện cho tâm lý bi quan và lạc quan của số đông. Và tính chu kỳ, là sự lặp đi lặp lại các mô hình sóng.
- Cuối cùng, bằng quan sát biến động giá, Elliott đã cụ thể hóa các tính chất đó thành lý thuyết cơ bản được minh họa như sau:
Bây giờ, chúng ta sẽ diễn giải chi tiết các tính chất trên vào đường giá:
- Tính mô hình: Mô hình cốt lõi là gồm 2 sóng lớn (I và II). Sóng đẩy (motive wave) và sóng điều chỉnh (corrective wave). Trong đó, sóng đẩy đóng vai trò là động lực chính xác định xu hướng lớn, còn sóng điều chỉnh như một sự thoái lui tạm thời trong xu hướng đó.
- Tính phân dạng: Mô hình trên không chỉ là cấu trúc lớn mà bên trong cấu trúc lớn đó cũng lặp lại chính nó như một cấu trúc nhỏ hơn (hãy liên tưởng ví dụ cành cây và con sông như đã đề cập đầu bài). Cụ thể, bên trong sóng đẩy là 5 sóng nhỏ (đánh số 1, 2, 3, 4, 5), bên trong sóng điều chỉnh và 3 sóng nhỏ (A, B, C). Có thể thấy, 5 và 3 là những con số nguyên tố cơ bản trong toán học. Nhìn sâu hơn, bên trong các sóng từ 1 đến 5 và sóng zigzag từ A đến C lại là mô hình quy mô nhỏ hơn nữa, cũng gồm những sóng đẩy nhỏ hơn và sóng điều chỉnh nhỏ hơn. Cứ thế, sự phân dạng này chia nhỏ đến những khung thời gian bé đến rất bé.
- Tính đối xứng: Hình minh họa trên là mô tả một chu kỳ hoàn chỉnh của thị trường đang uptrend và điều chỉnh. Nhưng nếu đối xứng toàn bộ hình theo chiều đứng, thì nó cũng có ý nghĩa mô tả một chu kỳ hoàn chỉnh của downtrend và phục hồi.
- Tính chu kỳ: Elliott dùng hình ảnh sóng biển để gọi tên lý thuyết của mình. Vì nó lặp đi lặp lại không ngừng từ lớn đến nhỏ, từ xa đến gần. Cũng như biến động giá không dừng lại ở 2 con sóng lớn (I và II). Nhưng dữ liệu biến động giá là không dừng lại, nó cứ tiếp diễn liên tiếp nhau tạo nên những chu kỳ liên tục. Người quan sát thị trường vừa phải có cái nhìn tổng quát, vừa phải có cái nhìn đến chi tiết để biết (dự đoán) mình đang ở đâu.
Nếu đã hiểu toàn bộ cấu trúc trên, bạn sẽ cảm thấy dưới lăng kính Elliott, thị trường thật đơn giản. Tuy nhiên, biến động ngẫu nhiên không hề dễ dàng được “nhốt” trong một mô hình với những tính chất như trên. Lý do là vì mô tả trên đặt người quan xét trong tình trạng “đã rồi”. Nghĩa là giá đã đi xong và bây giờ chỉ diễn đạt lại nó. Nhưng khi giá đang chạy, thì làm sao để biết mình đang ở sóng nào? Đó vẫn là phạm trù của dự đoán và xác suất.
Và nếu bạn là người dự doán có những hiểu biết thấu đáo trên, thì xác suất cho dự đoán của bạn hẳn sẽ cao hơn người thiếu kiến thức. Thị trường tài chính tồn tại hằng trăm năm nay, và nhiều thế hệ đã và đang sử dụng lý thuyết trên để kiếm lời. Do đó, không thể phủ nhận giá trị của nó, và công sức của Ralph Nelson Elliott.
Những hạn chế khi áp dụng sóng Elliot trong thị trường Crypto
Nếu đối chiếu với thị trường Crypto, chúng ta có thể nhận thấy một vài bất cập như sau khi áp dụng phân tích giá bằng lý thuyết sóng Elliott.
- Các cặp Altcoin/Altcoin, Altcoin/BTC và một số Altcoin thanh khoản thấp thường chịu tác động rất lớn bởi một vài cá mập nắm giữ nguồn cung lớn. Do đó, rất khó để khẳng định động lực đứng đằng sau đường giá là của số đông. Hệ quả là đường giá không theo quy luật sóng nào mà thường là pump & dump theo ý đồ của một vài cá nhân quyền lực.
- Thị trường Crypto có đặc tính công nghệ khiến cho đường giá bị ảnh hưởng rất lớn. Như là hardfork, airdrop, burn coin… các hoạt động này ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi nguồn cung. Nó chi phối hành vi giao dịch một cách đột ngột và nghiêm trọng.
Do đó, việc áp dụng lý thuyết sóng Elliot trong thị trường Crypto cũng cần quan sát với những cặp có khối lượng lớn (Bitcoin, Ethereum, tổng vốn hóa…), trong những thời gian ít bị chi phối mạnh bởi yếu tố công nghệ hoặc tin tức.
Hiểu đủ để bắt đầu…
Như vậy, chúng ta vừa đi qua hành trình mà lý thuyết sóng Elliot được tạo nên. Bạn sẽ thấy nó không hề mâu thuẫn với lý thuyết Dow được phát triển bởi Charles Dow từ những năm 1890. Có thể xem sóng Elliot như một sự kế thừa và phát triển chi tiết hơn của lý thuyết Dow.
Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào những quy luật cơ bản khi áp dụng sóng Elliot trong giao dịch, trước khi tìm hiểu cách nào để lên kế hoạch giao dịch với lý thuyết sóng Elliott.
Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm với sóng Elliott trong cộng đồng của BeInCrypto Telegram | Facebook fanpage | Facebook group.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản một cách thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Người đọc tự trách nhiệm với bất kỳ hành động nào thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi.
Tại Learn, ưu tiên của chúng tôi là cung cấp thông tin chất lượng cao. Chúng tôi dành thời gian để xác định, nghiên cứu và tạo ra nội dung giáo dục hữu ích cho độc giả.
Để duy trì tiêu chuẩn này và tiếp tục tạo ra nội dung tuyệt vời, các đối tác của chúng tôi có thể thưởng cho chúng tôi một khoản hoa hồng cho các vị trí trong bài viết của chúng tôi. Tuy nhiên, những khoản hoa hồng này không ảnh hưởng đến quy trình tạo nội dung không thiên vị, trung thực và hữu ích của chúng tôi.