Thời gian gần đây, Tether (USDT) lại được chú ý hơn thông qua một số thông tin từ Bloomberg. Nghi vấn đặt ra về việc Tether có liên quan đến các công ty Trung Quốc, trong đó có Evergrande. CEO của Tether đã phải khóa tài khoản Twitter trước các cáo buộc và sức ép của dư luận. Trong bài viết này, mình sẽ giúp các bạn hiểu thêm về Tether là gì cũng như các cáo buộc mà Tether đã gặp phải nhé.
Tether USDT là gì?
Tether là tên của một dự án tiền điện tử và USDT là đồng coin gốc của dự án Tether. Cụ thể chúng là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
1. Tổng quan về Tether
Khái niệm Tether là gì đã được giải thích khá nhiều từ trước đến nay. Tuy nhiên, để đơn giản, chúng ta có thể hiểu như thế này. Tether trước tiên là một dự án tiền điện tử tương tự như Bitcoin hay Ethereum vậy. Mục đích của nó là tạo ra một đồng ổn định (stablecoin) để có thể sử dụng được trong thế giới Crypto. Nghĩa là để có thể mua được các loại tài sản khác trong Crypto như BTC, ETH, ADA,… thay vì sử dụng đồng đô la thông thường thì chúng ta sẽ sử dụng đồng Tether này.
Trên thực tế, USDT chỉ là một trong số những đồng tiền của dự án Tether. Ngoài ra chúng ta còn thấy một số dạng stablecoin khác như EURT (đồng Tether neo giá theo Euro) hay XAUT (đồng Tether neo theo giá vàng),… Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ chủ yếu nói về dự án Tether với đồng USDT neo theo giá đồng USD nhé.
Để tạo ra một đồng “đô la điện tử” như vậy, Tether neo giá của nó trực tiếp và tương đương với đồng USD theo tỷ lệ 1:1. Điều đó có nghĩa để tạo ra 1 đồng USDT, người dùng cần phải bỏ ra 1 đồng USD thật. Sau đó, khi người dùng không cần sử dụng đến đồng USDT đó nữa, họ có thể bán lại và nhận về USD như cũ. Dựa vào quy luật vận hành như vậy, chúng ta có thể rút ra một số điểm lưu ý sau đây.
- Thứ nhất, đồng USDT là một đồng tiền ổn định (stablecoin): Giá trị của một đồng USDT lúc nào cũng xoay quanh mức một USD. Trong thực tế, ta vẫn luốn thấy có sự biến động về giá của đồng USDT. Có thời điểm, 1 USDT đổi được 1.2 USD. Vậy chuyện này là sao? Điều này được lý giải dựa vào sự gia tăng ổn định về khối lượng USDT được giao dịch và sự cải thiện của thị trường tiền mã hóa nói chung.
- Thứ hai, đồng Tether sẽ cần có tài sản thế chấp: Điều này cũng có nghĩa là họ có thể in ra bao nhiêu đồng USDT tùy ý miễn là họ có đủ số lượng tiền USD tương ứng. Tài sản thế chấp ở đây không nhất thiết phải là tiền mặt. Nó có thể là các khoản cho vay, tài sản đảm bảo có giá,… Vấn đề đặt ra ở đây là tính minh bạch của các tài sản thế chấp đó. Đây chính là nguồn cơn cho các cáo buộc xoay quanh dự án Tether mà chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn ở phần sau nhé.
- Thứ ba, Tether là một dự án tập trung: Có một tổ chức đứng đằng sau dự án này để cung ứng đồng USDT ra thị trường. Mỗi một đồng USDT được phát hành ra tương ứng với việc họ sẽ phải bỏ ra một USD. Sau khi họ thu hồi lại được đồng USDT đã phát hành, họ sẽ thực hiện đốt (burn) để đảm bảo cân bằng về nguồn cung. Với đặc tính tập trung như vậy là lý giải cho việc tại sao bản thân Tether có thể đóng băng các khoản tiền của người dùng nếu như xác định được tính bất chính của nó. Trong vụ tấn công vào sản KuCoin vào tháng 9/2020, Tether cũng đã đóng băng một lượng lớn USDT bị lấy đi bởi hacker.
Được thành lập từ năm 2015, tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã thấy một tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của dự án này. Vốn hóa của dự án Tether đã tăng lên mức ~69 tỷ USD, xếp hạng thứ 4 trên thị trường. Với mức vốn hóa này, USDT hiện là stablecoin lớn nhất hiện nay. Tại thời điểm mình viết bài này, USDT chiếm 56.86% tổng cung stablecoin trên thị trường. Vị trí số 2 và 3 lần lượt là USDC và BUSD với 25.73% và 10.26%.
2. Nguồn cung USDT trên các blockchain
Tether (USDT) được ra mắt trên Omni Layer, một giao thức được xây dựng trên chuỗi khối Bitcoin. Sổ cái được lưu trữ trên chuỗi khối Bitcoin và Liquid, một sidechain Bitcoin và các giao dịch có thể tìm kiếm được thông qua Omni Explorer.
Sau đó, đồng USDT cũng có sẵn trên các blockchain khác, chẳng hạn như Ethereum, Binance Smart Chain, Tron hay Solana. Đương nhiên, mỗi khi xuất hiện trên một blockchain mới nó sẽ tuân theo chuẩn token của từng blockchain khác nhau.
Trước đây, Ethereum là mạng lưới có nguồn cung USDT lớn nhất. Tuy nhiên, khoảng từ tháng 4/2021, vị trí này đã thuộc về Tron. Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn cung USDT trên Tron chiếm khoảng 36 tỷ USD. Trong khi đó, Ethereum hiện chỉ còn khoảng 33.86 tỷ USD. Điều này có thể do hai nguyên nhân chính sau đây:
- Thứ nhất, Tron là mạng lưới chính được Tether phát hành các token USDT của mình.
- Thứ hai, phí chuyển USDT dựa trên mạng Tron khá rẻ so với Ethereum. Ở thời điểm hiện tại, phí chuyển USDT thông qua Binance Smart Chain (BSC) cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, BSC vẫn là một mạng lưới mới nên nguồn cung vẫn chưa quá nhiều.
Tạm dừng các thông tin cơ bản về dự án Tether và đồng USDT. Ở phần tiếp theo trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số cáo buộc hiện có với dự án này nhé.
Các cáo buộc xoay quanh Tether
USDT là một đồng stablecoin có thị phần lớn nhất hiện nay. Do đó, không khó hiểu khi nó có những cáo buộc xoay quanh. Trên thực tế, một vài cáo buộc chúng ta tìm hiểu dưới đây vốn đã có từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về các vẫn đề này vẫn chưa có điểm dừng. Dưới đây là một vài cáo buộc mà chúng ta thường thấy. Cụ thể:
1. In khống đồng USDT & bơm đẩy giá Bitcoin trên sàn Bitfinex
Như đã nói ở trên, với mỗi một đồng USDT được Tether phát hành ra, họ sẽ cần phải có một đồng USD làm đối ứng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra thời gian đầu là đó chỉ là một lời cam kết của Tether mà thôi. Bản thân các nhà đầu tư (NĐT) không rõ hoặc không được cung cấp bằng chứng chứng minh tính xác thực của các thông tin đó. Vậy nên, họ đặt ra nghi vấn Tether đang in khống đồng USDT mà không có tài sản hỗ trợ như công bố.
Có thời điểm, 66% nguồn cung của USDT được Tether in trong 6 tháng. Sau đó một thời gian dài, vốn hóa của Tether gần như không có dấu hiệu tăng thêm đáng kể. Từ giữa năm 2017, công ty đã không tiếp cận được với ngân hàng và đánh lừa khách hàng về vấn đề thanh khoản. Cáo buộc này hoàn toàn có cơ sở vì thời điểm đó, Tether gần như không đưa ra được các bằng chứng xác đáng chứng minh tính minh bạch trong việc này. Tuy nhiên, mọi thứ đến hiện tại vẫn là một dấu hỏi lớn.
Ngoài ra, vào năm 2017, Tether bị cáo buộc đã in USDT sau đó đẩy lên sàn Bitfinex để làm giá Bitcoin. Nghi vấn này được đặt ra khi mỗi khi USDT được in ra, nó thường được đẩy thẳng lên sàn Bitfinex. Thậm chí, Tether bị cáo buộc cho sàn Bitfinex mượn 850 triệu USD để bù vào các khoản lỗ của sàn này. Trong một hồ sơ năm 2019, văn phòng tổng chưởng lý New York nói rằng Bitfinex đã giao 850 triệu USD cho một thực thể Panama có tên là Crypto Capital mà không tiết lộ cho các nhà đầu tư.
Sau đó, cả Tether, Bitfinex và văn phòng tổng chưởng lý New York đã đạt được một thỏa thuận thống nhất. Trong đó, Tether và Bitfinex sẽ cùng nộp phạt khoản tiền lên đến 18.5 triệu USD. Ngoài ra, hàng quý Tether sẽ phải gửi báo cáo minh bạch các khoản tiền dự trữ của mình.
Gấn đây nhất, theo báo cáo minh bạch phần ngân quỹ hỗ trợ việc phát hành đồng USDT của Tether, tính đến hết ngày 30/6/2021, các khoản đối ứng của Tether bao gồm 4 hạng mục chính. Trong đó, phần lớn tài sản đến từ Treasury Bills (khoảng hơn 15 tỷ USD) và Commercial Paper and Certificates of Deposit (khoảng hơn 30 tỷ USD). Tuy nhiên, có vẻ như báo cáo này vẫn không xóa hết được các nghi vấn trong lòng các NĐT hiện nay.
2. Cho các công ty Trung Quốc vay tiền
Trở lại với phần báo cáo kể trên, một vài cáo buộc khác được đưa ra với Tether. Cụ thể:
Thứ nhất, Tether quá rủi ro
Giả định báo cáo trên là đúng thì hiện Tether chỉ nắm giữ khoảng 10% so với giá trị vốn hóa hiện có là tiền mặt. Phần còn lại chủ yếu là các khoản cho vay hoặc đầu tư. Điều này khiến cho Tether đối mặt với một rủi ro là nếu như tất cả những người nắm giữ USDT đồng loạt bán USDT để thu về USD thì Tether sẽ không kịp để thanh khoản cho tất cả mọi người.
Điều này về lý thuyết là đúng và hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh kinh tế, việc nắm giữ quá nhiều tiền mặt cùng lúc có lẽ là một quyết định thiếu sáng suốt. Với tỷ lệ lạm phát như hiện tại, đồng tiền sẽ dần mất giá trị. Cùng giống như các ngân hàng, tiền dự trữ sẽ được sử dụng để đưa vào các hoạt động đầu tư sinh lời. Chỉ khác nhau là Tether không có chức năng của một ngân hàng. Đó là lý do tại sao thời gian gần đây, Chính phủ Mỹ đang tìm cách xây dựng khung pháp lý để quản lý các đồng stablecoin là vậy.
Thứ hai, Tether cho các công ty Trung Quốc vay tiền
Theo bài viết từ Bloomberg, với khoảng hơn 30 tỷ USD về Commercial Paper and Certificates of Deposit trong quý vừa rồi đã biến Tether trở thành công ty nắm giữ nhiều thương phiếu thứ 7 của toàn bộ ngành tài chính Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dường như không có một công ty lớn nào tại Hoa Kỳ cho biết đã bán trái phiếu cho Tether cả. Điều này dấy lên nghi hoặc Tether đã mua trái phiếu của nhiều công ty nước ngoài, trong đó có Evergrande. Nếu như Evergrande sụp đổ, khoản đầu tư của Tether có nguy cơ mất trắng. Ngay sau đó, Tether cũng đã phủ nhận điều này.
Ngoài ra, Tether còn cho Celsius Network vay 1 tỷ USD. Điều này cũng được nói đến trong các khoản đầu tư khác của Tether. Hơn nữa, CEO của Celsius Network cũng thừa nhận việc họ chỉ vay USDT của Tether chứ không phải USD. Và đồng thời, họ dùng Bitcoin làm tài sản thế chấp.
Bản thân Tether cũng đã có động thái giải thích về các cáo buộc này. Họ cho rằng những thông tin được công bố bởi Bloomberg chỉ là các thông tin cũ. Họ có tình đóng gói lại các tin này để tạo ra các tin tức FUD trong cộng đồng tiền điện tử. Ngay sau sự kiện này, CEO của Tether cũng đã khóa tài khoản Twitter của mình.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Tether sụp đổ?
Sau tất cả các cáo buộc kể trên, chúng ta thấy thị phần của USDT đã có dấu hiệu giảm rõ rệt. Mặc dù hiện tại quá nửa nguồn cung stablecoin trên thị trường vẫn nằm trong tay USDT xong con số này đã thấp hơn thời điểm trước đó rất nhiều. Thị trường đã có thêm nhiều tay chơi mới. Xét ở một góc độ khác, cũng có thể Tether đang bị chơi xấu bởi chính các đối thủ của mình.
Câu hỏi đặt ra ở đây là Tether liệu có khả năng sụp đổ? Trên thực tế, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc sụp đổ của Tether có thể sẽ chỉ ảnh hưởng đến những NĐT cá nhân, những người đang nắm giữ USDT mà thôi. Còn về thị trường tiền điện tử nói chung, tầm ảnh hưởng của nó không đủ lớn để có thể phá hủy cả một thị trường.
Hãy nhìn lại trường hợp Bitcoin tại Trung Quốc để thấy rõ hơn điều này. Trước đây, Trung Quốc chiếm 65% sản lượng khai thác Bitcoin trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi Chính phủ Trung Quốc cấm khai thác Bitcoin, tỷ lệ hash rate đã giảm rõ rệt. Nhưng ngay sau đó, hash rate đã dần dần phục hồi và tính đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đã trở về thời kỳ bình thường mới. Khi mạng lưới Bitcoin đủ lớn, khó có một thực thể nhất định nào có thể tác động được nó.
Thị trường stablecoin cũng vậy. Giả sử Tether thất thế và USDT biến mất trên thị trường, chắc chắn sẽ có những tác động nhất định. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó thị trường sẽ phục hồi. Chúng ta luôn có các đồng stablecoin khác sẵn sàng thay thế USDT.
Mặc dù tất cả các thông tin trên vẫn chỉ dừng lại ở mức cáo buộc, tuy nhiên không có nghĩa là nó không thể xảy ra. Tuy nhiên, đừng quên rằng trong thị trường tiền điện tử, không có gì là chắc chắn cả. Ngay cả các đồng stablecoin khác như USDC hay BUSD cũng có thể xảy ra tình trạng tương tự khi vốn hóa của nó đủ lớn như USDT hiện tại. Do đó, NĐT có thể cân nhắc chuyển qua lưu trữ các tài sản mà mình đánh giá là an toàn hơn nếu muốn.
Hi vọng bài viết này đã mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích nhất về Tether và đồng USDT. Đừng quên chia sẻ bài viết này nếu như bạn thấy hay và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo tại BeInCrypto nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản một cách thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Người đọc tự trách nhiệm với bất kỳ hành động nào thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi.
Tại Learn, ưu tiên của chúng tôi là cung cấp thông tin chất lượng cao. Chúng tôi dành thời gian để xác định, nghiên cứu và tạo ra nội dung giáo dục hữu ích cho độc giả.
Để duy trì tiêu chuẩn này và tiếp tục tạo ra nội dung tuyệt vời, các đối tác của chúng tôi có thể thưởng cho chúng tôi một khoản hoa hồng cho các vị trí trong bài viết của chúng tôi. Tuy nhiên, những khoản hoa hồng này không ảnh hưởng đến quy trình tạo nội dung không thiên vị, trung thực và hữu ích của chúng tôi.