Bitcoin (BTC) tăng đến hơn 34,000 USD, nghĩa là đã lấy lại được hơn nửa chặng đường để trở về đỉnh cũ. Theo kinh nghiệm, nếu uptrend thật sự, giá sẽ tăng mà điều chỉnh rất ít. Những chờ đợi và kỳ vọng mua lại ở mức đáy mới chỉ xảy ra khi thị trường gặp sự cố.
Sau đây là những quan sát của BeInCrypto, về những dữ liệu on-chain của Bitcoin trong quá khứ, để nhận định về khả năng xảy ra tình huống giảm mạnh, hoặc điều chỉnh mạnh.
Bitcoin đang đứng trước ngưỡng cửa uptrend mạnh mẽ
Realized Price (giá thực hiện) là mức giá trung bình của Bitcoin được ghi nhận tại thời điểm giao dịch lần cuối trên chuỗi. Mức giá này được tính cho toàn bộ nguồn cung Bitcoin đang lưu thông. Nó thường được gắn liền với ý nghĩa là “vùng giá đáy”, hoặc “vùng giá trị” tối thiểu của BTC.
Phân tích sử dụng mức giá thực hiện này (đường màu vàng) để tính toán ra tình trạng thua lỗ tương đối của những nhà đầu tư nắm giữ. Theo quan sát trên, một uptrend thật sự sẽ có sự kết hợp giữa hai yếu tố:
- Thứ nhất, giá BTC tạo đáy tại vùng giá thực hiện và phục hồi mạnh mẽ từ vùng giá này. Mức giá thực hiện của toàn bộ nguồn cung BTC đang lưu thông hiện đang quanh vùng 20,000 USD. Và cho đến nay, giá BTC đã đi rất xa mức đáy đó.
- Thứ hai, Net Unrealized Loss (được hiểu như trạng thái thua lỗ chưa thực hiện) đang giảm mạnh những ngày gần đây và đang tiến vào vùng zero (không còn thua lỗ hoặc lời). Vùng Strong Bull Zone được xem là trạng thái có lời và hưng phấn cao độ của thị trường. BTC đang đứng trước ranh giới để bước vào trạng thái này.
Như vậy, chỉ cần BTC duy trì mức cao này thêm thời gian nữa, hoặc tăng thêm một nhịp nữa để nâng mức hỗ trợ lên cao hơn, thì BTC sẽ thu hút sự chú ý của công chúng trở lại. Và như những lần trước, một khi đã bước vào uptrend, BTC sẽ điều chỉnh rất khiêm tốn.
Chỉ khi “Thiên Nga đen” xuất hiện, Bitcoin mới trở lại 20,000 USD một lần nữa
Câu hỏi quan tâm ở đây là khi nào thì BTC giảm trở về mức giá thực hiện hoặc thấp hơn mức giá thực hiện (đường xanh dương biểu đồ dưới đây)? Quá khứ cho thấy, điều này từng xảy ra 3 lần, hãy thử điểm lại tình trạng thị trường trong 3 lần giảm đó:
- Lần giảm năm 2018, BTC đã duy trì rất lâu quanh vùng 6,000 USD, và chỉ trong vài tuần mức giá này đã gần như bị chia đôi. Một trong những yếu tố châm ngòi cho đà giảm này, là SEC lùi thời hạn phê duyệt Bitcoin ETF giao ngay đến cuối tháng 2/2019, thay vì trong tháng 12/2018. Hy vọng bị dập tắt, dòng vốn rút mạnh khỏi thị trường. (Lúc đó, câu chuyện ETF vẫn còn rất mới mẻ).
- Lần giảm năm 2020, BTC giảm mạnh như buông bỏ, từ 8,000 USD về gần 4,000 USD chỉ trong chưa đầy 2 ngày. Khi đó WHO công bố tình trạng đại dịch toàn cầu. Và tình trạng thị trường lúc đó đứng giữa sự bối rối vì COVID, và sự bất ngờ vì dòng tiền rẻ dồi dào.
- Lần giảm năm 2022 ghi dấu bởi sự sụp đổ của 2 tên tuổi lớn trong thị trường LUNA và FTX. Sự sụp đổ của LUNA và sự sụp đổ của FTX đã kéo theo một lượng lớn tiền ra khỏi thị trường cùng với nỗi sợ hãi vẫn chưa phai nhạt cho đến nay.
Như vậy, những lần BTC giảm về mức Realized Price đều được thúc đẩy bởi những sự kiện “thiên nga đen” nhất định. Nếu BTC quay lại mức Realized Price – tương đương với 20,000 USD – thì hẳn phải là một sự kiện gì đó trái ngược với mong đợi và kỳ vọng của phần lớn nhà đầu tư hiện nay.
Dự đoán những sự kiện ảnh hưởng lớn khả dĩ hiện nay
Cũng cần lưu ý rằng, sự kiện thiên nga đen có xác suất xảy ra thấp, nhưng một khi xảy ra thì ảnh hưởng của nó không hề nhỏ. Một sự cố ảnh hưởng lớn, chứng tỏ sự cố đó ảnh hưởng đến một kỳ vọng lớn hoặc một chỗ dựa niềm tin lớn của nhà đầu tư. Do đó, sự kiện thiên nga đen lúc này, có thể sẽ liên quan đến những yếu tố sau:
- Liên quan đến Bitcoin ETF giao ngay: Giới phân tích cho rằng, khả năng Bitcoin ETF giao ngay được phê duyệt trong thời gian tới là hơn 75%. Nhưng nếu như một sự cố nào đó, hoặc một thông tin nào đó mà thị trường chưa biết, khiến cho điều này không xảy ra, thì kỳ vọng lớn lâu nay của nhà đầu tư sẽ sụp đổ.
- Liên quan đến tình trạng thanh khoản của Bitcoin: Nói đến thanh khoản thì phải nói đến thanh khoản ở đâu? và thanh khoản chủ yếu bằng cái gì? Với thị trường Crypto, câu trả lời khá dễ dàng, thanh khoản trên sàn Binance và thông qua USDT. Đó là hai yếu tố chỗ dựa niềm tin lớn nhất cho thị trường hiện này. Thế nên, thiên nga đen lúc này có thể liên quan trực tiếp đến Binance hay Tether.
Tất cả những phân tích trên mang hàm ý quản trị rủi ro ngay cả những rủi ro tiềm ẩn và khó xảy ra.
Bạn nghĩ sự kiện thiên nga đen có thể xảy đến với Bitcoin có thể là gì? Chia sẻ ngay ý kiến của bạn trong cộng đồng của chúng tôi Telegram chat | Telegram channel | Facebook fanpage.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.