Tham vọng thoát ra khỏi sự kiểm soát bởi một quyền lực chuyên chế luôn luôn có một sức sống riêng trong bất kể thời đại nào. Thế nên, kể từ khi internet bùng nổ và chịu sự kiểm soát của nhiều Big Tech và Big Government, thì tham vọng đó luôn được nung nấu bởi một nhóm tập thể. Cho đến nay, cùng với sự phát triển của công nghệ Blockchain và Bitcoin, Web 3.0 càng được nhắc đến nhiều hơn. Nhưng, những hoài nghi về Web 3.0 trong bối cảnh hiện nay cũng có những lý do riêng cần ghi nhận.
Sau đây là 3 lý do chính khiến cho Web 3.0 bị hoài nghi được trình bày trong bài viết này.
Nổ lực đánh bại quyền lực tập trung là điều không thể
Nhìn nhận lại trong hai năm đại dịch 2020-2021, trong cả một thế kỷ qua chưa bao giờ quyền lực của các công ty công nghệ, công ty truyền thông và chính phủ trở nên tập trung như bây giờ.
Về công ty công nghệ, trong năm 2021 này:
- Doanh thu của Google đã tăng hơn 34%.
- Doanh thu của Apple tăng 54%.
- Doanh thu của Amazon tăng hơn 48%.
- Vốn hóa của Microsoft lên hơn 2.15 nghìn tỷ USD.
- Facebook thay đổi chiến lược dài hạn bước chân xây dựng Metaverse và đánh dấu mức doanh thu tăng đến 29 tỷ đô. (lưu ý tinh thần Metaverse của Facebook không phải là tinh thần phi tập trung)
- Đó là chưa kể những lượt truy cập vào các ứng dụng hỗ trợ giao tiếp online (trên server tập trung) đã tạo nên những tỷ phú mới. (ứng dụng Zoom như một điển hình).
Những con số trên đủ để chúng ta thấy, khi càng khủng hoảng con người càng lệ thuộc vào những Big Tech như thế nào.
Hãy thử tưởng tượng, một ngày nào đó servers (tập trung) của Facebook, Amazon, Google, Microsoft ngưng hoạt động, bạn sẽ làm gì? Thế nên, triết lý Web 3.0 đòi hỏi chấp dứt sự tập trung dữ liệu, đòi đánh bại quyền lực tập trung dữ liệu chẳng khác nào “lấy trứng chọi đá”.
Đó là chưa kể đến hai thứ quyền lực lớn hơn nữa đang chi phối cả thế giới: Đó là các chính phủ lớn và công ty truyền thông lớn. Họ sẽ luôn muốn tìm cách để định hướng dư luận nhằm quản lý người dân theo kế hoạch.
Quá khứ cho thấy Web 3.0 vẫn sống tốt nhưng khó làm nên một cuộc cách mạng
Tuy nhiên không phải vì như thế mà Web 3.0 sẽ chết! Web 3.0 không hề là một khái niệm mới. Luôn luôn có một nhóm người tạo ra những công cụ riêng để được “tự do hơn” trên internet và thoát ra khỏi sự kiểm duyệt. Tinh thần của Web 3.0 không thể chết vì nhu cầu cao hơn về quyền riêng tư không thể chết. Điều này cũng giống như cách Bitcoin tồn tại hơn cả thập kỷ nay.
Web 3.0 tồn tại phục vụ cho một cộng đồng có nhu cầu về tính riêng tư
Trong 20 năm trở lại đây, một danh sách dài các dự án muốn xây dựng internet phi tập trung đã ra đời. Ví dụ như:
- Freenet (2000): một nền tảng ngang hàng cho phép giao tiếp ẩn danh, chống kiểm duyệt.
- Osiris Serverless Portal System (2010): một phần mềm miễn phí được sử dụng để tạo ra các cổng web được phân phối thông qua mạng ngang hàng (P2P) và tự trị.
- InterPlanetary File System (IPFS) (2014): một giao thức và mạng ngang hàng để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trong một hệ thống tệp phân tán.
- ZeroNet (2015): một mạng lưới người dùng ngang hàng giống như web phi tập trung với địa chỉ web chính là địa chỉ ví BTC.
- Blockstack (2015): một nền tảng mã nguồn mở để xây dựng các hợp đồng thông minh và các ứng dụng blockchain phi tập trung.
- ….
Danh sách này vẫn còn rất dài, những cái tên khác mới hơn như Mastodon, Bluesky…
Điều này cho thấy tinh thần Web 3.0 đã, đang và luôn còn! Nhưng trong 20 năm nay, Web 2.0 vẫn áp đảo và đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho toàn nhân loại. Vậy, nên có cái nhìn thế nào cho chính xác hơn về Web 3.0?
Nên xem Web 3.0 như một sự mở rộng của Web 2.0
Phải thừa nhận rằng một cơ chế phi tập trung như BTC, ETH cũng khó được biết đến và phát triển nếu như không có nền tảng là Web 2.0.
Ví dụ: Những sàn giao dịch crypto lớn chiếm phần lớn thanh khoản là sàn tập trung. Những dự án blockchain được truyền thông tốt để thu hút người dùng và gia tăng vốn hóa là nhờ được quảng bá bởi mạng xã hội tập trung. Ngay cả cơ sở hạ tầng của những sàn DEX thật chất cũng là tập trung.
Thế nên, chúng ta không nên xem Web 3.0 như một cuộc cách mạng mà chỉ là một phần mở rộng của Web 2.0 mà thôi, ít nhất cũng là trong tương lai gần. Dẫu rằng mục tiêu dân chủ của Web 3.0 thật sự cao quý, nhưng nó thiếu thực tiễn.
Jack Dorsey có cái lý riêng: Web 3.0 chỉ là “chiêu trò” hút dòng tiền
Bên cạnh Elon Musk, thì Jack Dorsey cũng là một trong những người nổi tiếng công khai “mỉa mai” web 3.0. Nhìn nhận một cách khách quan, Jack cũng có cái lý riêng.
Jack nhấn mạnh rằng:
Các VC (quỹ đầu tư) và LP (tổ chức cung cấp thanh khoản) mới là người sở hữu Web 3.0. Nó sẽ không bao giờ thoát khỏi tầm ảnh hưởng của họ. Thực chất đây chỉ là một thực thể tập trung được gắn một cái nhãn khác.
- Nghiêm túc nhìn nhận nhận định của Jack, chúng ta phải thừa nhận rằng truyền thông crypto và các quỹ đầu tư sẽ có lợi khi “ca tụng” Web 3.0. Vì làm như thế họ mới thu hút được dòng vốn cho các dự án mới. Và rõ ràng thực tế cho thấy nổ lực này của họ đã có hiệu quả.
- Nếu là một nhà đầu tư khôn ngoan, không có nghĩa bỏ qua mọi cơ hội. Nhưng cần nhìn nhận thấu đáo vấn đề để biết đâu là điểm dừng của kỳ vọng. Có lẽ đó là điều giá trị nhất mà chúng ta có thể rút ra được từ nhận định trên của Jack.
Tạm kết
Chúng ta không thể nào nói trước được tương lai, nhất là trong lĩnh vực công nghệ luôn biến đổi nhanh chóng và bất ngờ. Có thể Web 3.0 sẽ thành công và ảnh hưởng áp đảo một ngày nào đó! Nhưng ở góc độ đầu tư, nhà đầu tư cần nhìn nhận thực tế với nhiều góc nhìn để giữ được sự tỉnh táo và có kế hoạch phân bổ tài nguyên thích hợp.
Bạn nghĩ sao về quan điểm của bài viết? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn trong nhóm Telegram của chúng tôi.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.