Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn xây dựng luật dành riêng cho thị trường Crypto. Cho đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc công nhận các tài sản liên quan đến công nghệ blockchain như coin/token/NFT (hay gọi chung là Crypto) là hàng hóa, chứng khoán hay đối tượng nào khác.
Việc phân loại crypto là gì? là cơ sở để từ đó Việt Nam xây dựng hoặc lựa chọn áp dụng những luật nào dành riêng cho nó. Sau đây là những tổng hợp và ghi nhận từ BeInCrypto về ý kiến chuyên gia trong vấn đề này, dựa những luật mà hiện Việt Nam đang áp dụng.
Xem thêm: Cách giải quyết hiệu quả cho các tranh chấp liên quan đến Crypto tại Việt Nam
Sẽ ra sao nếu Việt Nam phân loại Crypto là hàng hóa?
Theo Luật thương mại 2005, thì hàng hóa được phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai. Và nhóm thứ hai là những vật gắn liền với đất đai. Còn theo Khoản 1 Điều 4 Luật giá năm 2012, thì định nghĩa hàng hóa là tài sản có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường, có khả năng thỏa mãn nhu cầu của con người, bao gồm các loại động sản và bất động sản.
Nếu như các coin/token phát sinh từ công nghệ blockchain được xem như hàng hóa ở Việt Nam, nó sẽ thuộc nhóm động sản (phân biệt với bất động sản), và việc giao dịch/mua bán các đồng coin/token sẽ được quy định bởi luật Thương Mại. Khi đó, việc mua bán token về bản chất cũng không khác gì việc mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử như Shopee… Và các “sàn giao dịch Crypto” khi đó sẽ được quy định bởi luật thương mại điện tử.
Trong quá khứ, đã từng có ít nhất 2 tiền lệ liên quan đến việc có nên xem Crypto là hàng hóa hay không. Đầu tiên, đó là vào năm 2014, công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đã nộp đơn đến Cơ Quan Thương Mại điện Tử Và Kinh Tế Số (iDEA) thuộc Bộ Công Thương và nêu mình với tư cách là website thương mại điện tử. Nhưng đơn này bị từ chối với lý do Bitcoin không được quy định là hàng hóa. Trường hợp thứ hai, đó là Tòa Án tỉnh Bến Tre vào năm 2017 đã tuyên bố việc thu thuế đối với giao dịch Bitcoin là không hợp lệ vì Bitcoin không được xem là hàng hóa.
Việc công nhận Bitcoin như hàng hóa sẽ kéo theo một loạt những quy định mới về thuế, thương mại điện tử dành riêng cho đối tượng Crypto, và chưa kể những luật này cần phải cập nhật liên tục trong bối cảnh thị trường Crypto nảy sinh nhiều loại token có nhiều đặc tính riêng.
Khung pháp lý Việt Nam không hỗ trợ để quy định Crypto như là chứng khoán
Nếu khó khăn trong việc phân loại Crypto như hàng hóa, thì việc phân loại như là chứng khoán còn nảy sinh nhiều khó khăn hơn. Khung pháp lý của Việt Nam về chứng khoán hiện không thể hỗ trợ được gì cho việc giao dịch các đồng coin/token.
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định rằng, chứng khoán bao gồm các loại sau đây:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
- Chứng khoán phái sinh;
- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Tại Việt Nam, coin/token không tương thích với bất kỳ phân loại nào trên đây, trừ loại cuối cùng do “Chính phủ quy định”. Nhưng đến nay, chính phủ vẫn chưa có quy định nào công nhận coin/token như là chứng khoán. Ngay cả khi được xem như chứng khoán đi nữa, thì trong trường hợp của coin/token, có những tình huống như NFT của tác phẩm nghệ thuật/sáng tạo hay token hóa một tài sản thế giới thực (RWA), thì việc giao dịch các NFT/token hóa đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến luật về chuyển nhượng quyền sở hữu.
Trước mắt, năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấm các tổ chức kinh doanh chứng khoán tham gia các hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền kỹ thuật số (tiền ảo). Trong công văn 42763/BTC-UBCK của Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư HVA về Đề án thị trường giao dịch tài sản số, Bộ Tài chính cũng đã từ chối hình thức huy động vốn thông qua việc số hóa các tài sản hữu hình và vô hình bằng công nghệ blockchain. Những động thái này như một lời tiên đoán rằng crypto khó được quy định như chứng khoán của Việt Nam.
Nếu vậy, crypto nên được quy định là gì?
Crypto (hay ở Việt Nam thường được truyền thông gọi là “tiền ảo”) bị cấm là phương tiện thanh toán ở Việt Nam. Có lẽ đến nay, đây là quy định rõ ràng nhất về Crypto ở Việt Nam. Theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, hoạt động phát hành, cung cấp và sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán đều bị cấm. Nếu ai vi phạm có thể bị phạt hành chính từ 50 triệu VND đến 100 triệu VND, hoặc thậm chí bị truy tố hình sự theo Điều 206.1 (h) của Bộ luật Hình sự.
Nếu không phải là phương tiện thanh toán, không phải là hàng hóa, cũng không được xem là chứng khoán, thì Crypto nên được xem là đối tượng gì? Luật sư Trương Nhật Quan và luật sự Nguyễn Thu Hằng từ hãng luật YKVN cho rằng phân loại Crypto như là quyền tài sản sẽ cho phép các coin/token duy trì phần lớn tính linh hoạt và các đặc điểm của chúng.
Theo định nghĩa tại Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015, quyền tài sản là quyền có thể được định giá bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Quyền tài sản bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. YKVN cho rằng, việc coin/token được xem như là quyền tài sản, là vì “tài sản ảo là sản phẩm từ sự sáng tạo của con người, được sử dụng để phục vụ nhu cầu của chủ sở hữu trong một cộng đồng cụ thể bao gồm những chủ thể chấp nhận“.
Và nếu crypto nói chung xem như quyền tài sản, khi đó các quy định theo Bộ Luật dân sự sẽ được áp dụng. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ với tài sản sẽ được thỏa thuận giữa các thành viên trong cộng đồng sử dụng coin/token đó, đồng thời bằng chứng về quyền sở hữu crypto sẽ được ghi nhận công khai trên chuỗi khối.
Tuy nhiên, câu trả lời chính thức của Chính phủ vẫn cần phải chờ đợi. Tháng 5/2025 sẽ hạn chót để ban hành khung pháp lý tài sản ảo (VA) theo cam kết của Chính phủ. Khi đó, crypto được xem là gì sẽ là cơ sở để Việt Nam áp dụng và xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn.
Xem thêm: Việt Nam có thể đánh thuế giao dịch Crypto và các tài sản kỹ thuật số
Tham gia Cộng đồng BeInCrypto trên Telegram để tìm hiểu về các bài phân tích kỹ thuật, thảo luận về tiền mã hóa và nhận câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của bạn từ các chuyên gia và nhà giao dịch chuyên nghiệp của chúng tôi nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.