Thế kỷ 21 đánh dấu nhiều ý tưởng mà thế kỷ trước nghĩ là viễn tưởng nhưng lại trở thành hiện thực. Metaverse là một khái niệm mới nổi gần đây.
Metaverse là gì?
Metaverse là một thế giới ảo được xây dựng nên bởi sự hỗ trợ của công nghệ mô phỏng thế giới thật để mọi người có thể kết nối, tương tác với nhau như một xã hội.
Những hiểu lầm về Metaverse
Vì Metaverse là khái niệm rất mới. Nên nó thường xuyên bị hiểu lầm hoặc chỉ hiểu một khía cạnh nhỏ lẻ của nó mà thôi. Ngoài ra, các dự án vì muốn marketing cho mình mà đã sử dụng nó như một thuật ngữ “hút tiền”. Đôi khi dùng chính chữ “Metaverse” để đặt tên riêng cho dự án của mình.
- Một trò chơi NFT không đủ để xây dựng nên một Metaverse đúng nghĩa. Có chăng chỉ là xây dựng một nền kinh tế số gói gọn trong việc giao dịch NFT mà thôi. Ngay cả khi NFT Game này có sử dụng công nghệ VR đi nữa mà không có khả năng kết nối với các không gian ảo khác, hay không có khả năng mở rộng. Thì cũng không thể được gọi là Metaverse. Tóm lại, Metaverse không đơn thuần là một trò chơi.
- Metaverse cũng không phải là “thực tế ảo” (VR). Công nghệ VR chỉ là công cụ trong rất nhiều công cụ để tạo nên Metaverse. Không phải cứ đeo kính VR vào thì bạn bước vào Metaverse.
Những hiểu lầm về Metaverse trên phiến diện là bởi vì thiếu yếu tố “kết nối”. Sự kết nối của Metaverse mạnh mẽ hơn sự kết nối mà internet hiện có. Sự kết nối của Internet không đem đến cho bạn yếu tố “không gian” và “cảm giác” vì bạn chỉ tương tác qua giao diện là một màn hình 2D. Nhưng sự kết nối của Metaverse đem đến cho người sử dụng cả không gian lẫn cảm giác. Và sự kết nối này có thể mở rộng được không chỉ với những không gian ảo với nhau, nhưng còn mở rộng ra cả không gian của thế giới thật.
Câu chuyện tưởng tượng khi bạn sống trong Metaverse
Để bạn dễ hình dung, hãy đọc câu chuyện sau đây về một nhân vật tên Nam, tên những ứng dụng trong ví dụ sau chỉ là tưởng tượng.
Nam thức dậy trên chiếc gường của mình lúc 7 giờ sáng, mặt trời chiếu thẳng vào mắt anh qua ô cửa sổ (mặt trời là thế giới thực). Vệ sinh cá nhân xong, anh đeo vào mắt thiết bị VR để bắt đầu ngày làm việc. (lúc này Nam bước vào Metaverse).
Nam chọn cho mình một bộ đồ chỉnh tề bằng ứng dụng MetaVest chỉ bằng vài cái phẩy tay. Anh sẽ tham gia cuộc họp với các đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới tại MetaOffice. Anh thậm chí có thể bắt tay họ, nghe tiếng bước chân của họ, tiếng kéo ghế của họ khi ngồi vào bàn. Có một số đồng nghiệp nói bằng tiếng mẹ đẻ nhưng anh vẫn hiểu được nhờ MetaLanguage.
Công việc xong, Nam rủ bạn bè về nhà mình chơi. Họ ở từ các quốc gia khác nhau trên thế giới nhưng vẫn có thể bước vào phòng anh với toàn bộ khung cảnh như ngoài đời thực. (lúc này Metaverse tương tác với thế giới thực bằng công nghệ thực tế tăng cường). Mọi người quyết định cùng nhau mua vé xem liveshow của Alan Walker bằng Metaticket. Họ thanh toán nhanh chóng bằng MetaCrypto. Liveshow này của Alan Walker được tổ chức tại MetaStadium. Mọi người hòa mình nhảy múa trong thế giới âm thanh ánh sáng không khác gì thế giới thật. Chỉ khác ở chỗ MetaStadium có thể chứa đến hàng chục triệu người.
Trong buổi liveshow đó, người ta đã đấu giá thành công NFT sáng tác mới nhất của Alan Walker với giá 2,315 MetaCrypto.
Vậy đó, hy vọng câu chuyện trên giúp bạn hình dung phần nào.
Metaverse được xây dựng nên như thế nào?
Metaverse không phải là một công nghệ độc lập, nó là thành quả của sự kết hợp nhiều công nghệ lại với nhau.
Phần cứng (hardware):
Phần cứng sẽ giúp cho tương tác của người dùng trong Metaverse trở nên chân thật hơn. Phần cứng này bao gồm một sản phẩm hoàn thiện dễ sử dụng để hỗ trợ tương tác trong thế giới ảo, cùng với CPU, GPU bên trong. Bạn sẽ nhận ra, chỉ riêng phần cứng thôi cũng đã đòi hỏi sự hợp tác của nhiều công ty sản xuất chip, card màn hình, công ty gia công… phải bắt tay với nhau như thế nào.
- Ví dụ, game Pokemon Go đã giúp người dùng trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường (AR – Augmented Reality) bằng cách tìm kiếm những nhân vật ảo trong game ngay bên ngoài thế giới thực. Phần cứng ở đây là điện thoại, tuy nhiên ngần đó vẫn chưa đủ để tạo nên Metaverse. Nhưng nó giúp chúng ta hiểu rằng, Metaverse có thể kết nối với không gian vật lý thật.
- Ví dụ: kính thực thế ảo (VR – Virtual Reality) giúp người dùng đắm chìm trong thế giới 3D với những hiệu ứng vật lý không khác gì đời thực. Phần cứng ở đây là một thiết bị đeo vào mắt, đôi khi bao gồm cả quần áo, găng tay để những va chạm vật lý trong Metaverse trở thành cảm giác thật của người nhập vai.
Hiện nay, theo The Information, khoảng 1/5 nhân viên facebook (tương đương 10,000 người) đang tập trung cho mảng VR này. Tham vọng của họ là tạo nên một mạng xã hội “thực tế ảo” để khiến mọi người kết nối với nhau “tự nhiên” hơn. Thật đáng kinh ngạc!
Phần mềm (software)
Toán học sẽ giống như linh hồn của Metaverse.
- Về giao diện, những công thức toán học kết hợp với phần cứng sẽ làm hiệu ứng vật lý mượt mà hơn và tốn ít nguồn lực hơn. Bên cạnh đó những công nghệ xử lý hình ảnh âm thanh, truyền tín hiệu cũng cần cải tiến để cùng nhau khiến cho trải nghiệm người dùng chân thật nhất.
- Về nội dung, đó là sự phát triển của phân tích dữ liệu, học máy, AI, blockchain sẽ tạo nên bên trong Metaverse một nền kinh tế và thậm chí một nền chính trị riêng. Chứ không đơn thuần dừng lại ở một trò chơi của một cộng đồng nào đó.
Đến lúc này, bạn sẽ nhận ra những ứng dụng như Crypto, NFT, DeFi sẽ đóng góp vào Metaverse thành một nền kinh tế. Việc phân tích dữ liệu, học máy, AI sẽ giúp đáp ứng nhu cầu cầu của mọi người khi tham gia Metaverse hữu ích hơn.
Thế nên, Metaverse không thể được xây dựng chỉ bởi một doanh nghiệp nào đó. Cần sự hợp tác của nhiều bên từ phần cứng đến phần mềm, để có được sự chuẩn hóa cần thiết nhằm mở rộng thế giới Metaverse về lâu dài.
Crypto đóng vai trò gì trong Metaverse
Một khi bạn đã hiểu Metaverse là gì, thì bạn cũng sẽ nhận ra crypto không phải là tất cả trong Metaverse nhưng là một phần quan trọng trong nền kinh tế của Metaverse.
- Với Metaverse không còn ranh giới nào giữa ngôn ngữ và địa lý. Nên không thể đặt toàn bộ quyền lực về tài chính vào một đối tượng thuộc thể chế chính trị nào. Do đó, nền kinh tế của nó phải dựa trên một bản vị lưu trữ giá trị không bị thâu tóm, không bị kiểm soát. Thế nên, chỉ có thể là Crypto với công nghệ blockchain.
- Một xã hội không thể tồn tại nếu không có một nền kinh tế. Metaverse không khác gì một xã hội, chỉ có “giao diện” là “ảo”, nhưng sự kết nối là thật. Thế nên, Crypto sẽ rất quan trọng khi xây dựng nên Metaverse.
Có lẽ vì thế mà Facebook vẫn không ngừng tham vọng tạo nên một mạng xã hội tương tác thế giới ảo với một đồng tiền mã hóa riêng của mình. Nhưng tất cả chỉ mới là bước khởi đầu mà thôi.
Với tất cả những mô tả trên, có lẽ bạn cũng hình dung ra Metaverse sẽ thay đổi thế giới như thế nào?
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.