5 bất thường lớn trong đợt sụt giảm thị trường Crypto tuần đầu tháng 7

6 mins
Cập nhật bởi Bùi Linh
Tham gia cộng đồng giao dịch của chúng tôi trên Telegram

Tóm lại

  • #1. Bitcoin sụt giảm mà không có sự tác động từ Bitcoin ETF
  • #2. Thị trường Crypto ra khỏi mối tương quan nghịch với chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY)
  • #3. Dòng tiền chảy ra khỏi thị trường Crypto nhưng vẫn tiếp tục chảy vào cổ phiếu
  • #4. Tín hiệu kỹ thuật bất thường đang dự báo Bitcoin bước vào downtrend
  • #5. Thiệt hại thanh lý vì Bitcoin lớn nhất kể từ sự sụp đổ của FTX đến nay
  • promo

Mới tuần đầu tháng 7, vốn hóa thị trường Crypto về dưới 2,000 tỷ USD, Bitcoin (BTC) về dưới 54,000 USD và hàng loạt Altcoin giảm về đáy cũ hoặc lập đáy mới. Đằng sau sự sụt giảm này là nhiều điểm bất thường lớn đáng chú ý.

Sau đây là những đánh giá và lý giải các điểm bất thường đó, do BeIncrypto quan sát được.

Xem thêm: Giá Bitcoin (BTC) giảm xuống dưới 60,000 USD. Dấu hiệu của mùa Altcoin?

#1. Bitcoin sụt giảm mà không có sự tác động từ Bitcoin ETF

Bitcoin bước sang ngày sụt giảm thứ 3 liên tiếp, ghi nhận biên độ giảm hơn 16% trong tuần đầu tháng 7. Nếu trước đây, biến động của Bitcoin thường gắn chặt với dòng tiền ETF, thì đến gần đây dù không có dòng tiền ETF nhưng giá Bitcoin vẫn giảm mạnh. Lý do là vì thị trường Mỹ ngừng giao dịch trong ngày quốc khánh.

Netflow của các Bitcoin ETF. Nguồn: Coinglass.
Netflow của các Bitcoin ETF. Nguồn: Coinglass.
  • Dữ liệu ETF chỉ tới ngày 3/7 là dừng lại, và dòng tiền Netflow âm liên tục trong hai ngày 2 và 3. Kỳ nghỉ lễ quốc khánh Mỹ kéo dài đến tuần sau, khi đó các Bitcoin ETF giao ngay này sẽ được giao dịch trở lại.
  • Đây là lần đầu tiên kể từ khi BTC ETF được thông qua, Bitcoin biến động biên độ lớn như vậy mà không có tác động từ ETF. ETF vốn là lý do khiến cho khối lượng giao dịch Bitcoin chủ yếu tập trung vào các ngày trong tuần và giảm mạnh vào cuối tuần.

Thử tưởng tượng, nếu sang tuần sau, khi các ETF được giao dịch trở lại trong tình cảnh Bitcoin giảm đến hơn 10,000 USD/tuần như hiện nay, thì các quỹ liệu sẽ mua mạnh hay bán tháo? Câu hỏi này là một sự đặt cược quan trọng đối với nhà đầu tư.

#2. Thị trường Crypto ra khỏi mối tương quan nghịch với chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY)

Một điều bất thường thứ hai, đó là sự sụt giảm của vốn hóa thị trường Crypto và giá Bitcoin lần này không còn thể hiện mối tương quan nghịch với chỉ số DXY. Tương quan nghịch với DXY vốn được xem là thước đo đánh giá sự tác động của yếu tố vĩ mối đối với thị trường Crypto, nhưng lúc này nó trở nên vô dụng.

So sánh biến động giữa Crypto và DXY trong hơn hai tháng qua.
So sánh biến động giữa Crypto và DXY trong hơn hai tháng qua.
  • Biểu đồ cho thấy mối tương quan nghịch vẫn rõ ràng từ tháng đến hết tháng 6. DXY giảm thì Bitcoin và vốn hóa Crypto tăng và ngược lại DXY tăng thì Bitcoin và vốn hóa Crypto suy giảm. Nhưng câu chuyện này trở nên bất thường tuần đầu tháng 7.
  • Những dữ liệu vĩ mô được Hoa Kỳ công bố đầu tháng 7 tác động bất lợi đến đà tăng của DXY trong tháng 6. Cụ thể, lượng việc làm phi nông nghiệp thấp hơn so với trước đó và so với dự báo, PMI sản xuất của Mỹ cũng thấp hơn so với trước đó và so với dự báo. DXY đã giảm liên tục từ trên 106 điểm về dưới 105 điểm đầu tháng 7.

Đáng lý ra, biến động của DXY sẽ có lợi cho Bitcoin và Crypto. Nhưng không, Bitcoin và vốn hóa Crypto đồng thời sụt giảm mạnh chung với DXY. Như vậy, thị trường Crypto đang chịu tác động riêng mạnh hơn cả tác động của yếu tố vĩ mô.

#3. Dòng tiền chảy ra khỏi thị trường Crypto nhưng vẫn tiếp tục chảy vào cổ phiếu

Điều bất thường tiếp theo ở đây, đó là S&P500 (SPX – chỉ số đại diện để đo lường sức khỏe thị trường chứng khoán Mỹ) lập mức cao mới mọi thời đại trong đúng cái ngày mà vốn hóa thị trường Crypto lập mức thấp mới kể từ tháng 3.

So sánh biến động giữa vốn hóa Crypto và SPX.
So sánh biến động giữa vốn hóa Crypto và SPX.

Trong khi đó, cả hai thị trường tỏ ra khá đồng điệu với nhau từ đầu năm 2024 đến tháng 6. Nhà đầu tư đổ tiền vào cả hai thị trường và thúc đẩy vốn hóa của cả hai phục hồi đáng kể. Sự bất thường trong tháng 7 đang cho thấy kỳ vọng dành cho Crypto suy giảm, trong khi kỳ vọng dành cho cổ phiếu Mỹ vẫn mạnh mẽ.

Nếu so sánh với DXY, có thể nhận định, cổ phiếu Mỹ vẫn giữ tương quan nghịch với DXY nhưng Crypto thì không. Nếu những báo cáo mới nhất về CPI sắp được công bố 11/7 bất lợi cho cổ phiếu, thì có khả năng sẽ làm nghiêm trọng thêm đà giảm của cả hai thị trường.

#4. Tín hiệu kỹ thuật bất thường đang dự báo Bitcoin bước vào downtrend

Sự bất thường tiếp theo nằm ở tín hiệu kỹ thuật của Bitcoin. Tín hiệu này được thể hiện qua chỉ báo phổ biến được nhiều trader chuyên nghiệp sử dụng: Sonic R. Sonic R được hình thành bởi sự kết hợp giữa hai đường EMA34 và EMA89. Trong khung ngày của giá Bitcoin, hai đường trung bình động hàm mũ này đã xác nhận giao cắt xấu.

Phân tích kỹ thuật Bitcoin với chỉ báo Sonic R khung ngày.
Phân tích kỹ thuật Bitcoin với chỉ báo Sonic R khung ngày.

Đây là giao cắt xấu đầu tiên của chỉ báo này trong khung 1D kể từ cuối năm 2023 cho đến nay. Ý nghĩa của nó hàm ý uptrend của Bitcoin đã kết thúc, và có khả năng giá bước vào xu hướng giảm nửa cuối năm 2024. Trong quý này, giá Bitcoin cũng có thể hồi lại một trong hai EMA này trước khi tiếp tục đà giảm, giống như cách giá đã hồi lại EMA89 đầu năm 2024 để tiếp tục đà tăng.

#5. Thiệt hại thanh lý vì Bitcoin lớn nhất kể từ sự sụp đổ của FTX đến nay

Một bất thường nữa đến từ dữ liệu thanh lý của những nhà giao dịch ngắn hạn. Sự sụt giá của Bitcoin về dưới 54,000 USD đã gây ra hệ quả thanh lý lớn nhất trong năm 2024, và thậm chí là lớn nhất kể từ sự sụp đổ của FTX đến nay. Khi nhà đầu tư chịu thiệt hại, họ sẽ không còn tiền để góp phần cho lực mua trở lại.

Dữ liệu thanh lý Bitcoin. Nguồn: HoneybadgerC
Dữ liệu thanh lý Bitcoin. Nguồn: HoneybadgerC

Quan sát của @HoneybadgerC và @WhaleWire đều xác nhận dữ liệu thanh lý của thị trường hôm nay (5/7) cao kỷ lục với phần lớn thiệt hại thuộc về phe Long, tổng giá trị thanh lý lên hơn nửa tỷ USD. Mức thiệt hại khủng này chỉ kém giai đoạn cuối 2022, khi toàn thị trường sụt giảm cùng với sự ra đi của sàn FTX.

Phân tích gần đây của BeInCrypto cho thấy, hơn 70% tài khoản phái sinh trên Binance đang Long Bitcoin cuối tháng 6. Như vậy, thị trường đã có câu trả lời, số đông lần này đã sai. Quá khứ cho thấy, sau sự sụp đổ của FTX, phải mất đến 2 tháng thị trường mới phục hồi trở lại.

Tạm kết

Qua những bất thường trên, có thể rút ra nhận định như sau: Thị trường Crypto đang chịu tác động tiêu cực của nội lực đến từ những tin tức bất lợi gần đây như các Chính phủ bán Bitcoin, Mt. Gox trả tài sản cho chủ nợ… Tác động tiêu cực này mạnh hơn cả những hỗ trợ ngoại lực đến từ yếu tố vĩ mô tích cực gần đây như DXY. Điều đó lý giải những bất thường trên.

Tuy nhiên, đường giá để lại hệ quả tín hiệu kỹ thuật tiêu cực và nhiều nhà giao dịch mất tiền, nên sẽ khiến cho Bitcoin cần nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Bạn nghĩ sao về những đánh giá thị trường nói trên? Chia sẻ ngay ý kiến của bạn trong cộng đồng của chúng tôi Telegram chat | Telegram channel | Facebook fanpage

Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 10 năm 2024
Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 10 năm 2024
Những nền tảng giao dịch Crypto tốt nhất tại Việt Nam | Tháng 10 năm 2024

Trusted

Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.

d-4q6o_1_400x400.jpg
Viet Anh
Việt Anh là một nhà báo có kinh nghiệm biên soạn tin tức chuyên về tiền điện tử. Quan điểm của anh về đầu tư là "Bạn càng hiểu rõ bản chất và tác động của thông tin, thì rủi ro đầu tư càng giảm". Do đó, các bài viết được anh biên soạn thường khai thác về kinh nghiệm đầu tư, phân tích kỹ thuật chuyên sâu, những chuỗi bài về thuật ngữ trong phân tích kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao.
Chi tiết
Được tài trợ
Được tài trợ