Cube là một nền tảng được phát triển để hướng đến tạo ra một môi trường phát triển cho các ứng dụng Web 3.0. Và gần đây, Cube đã lọt vào mắt xanh của Huobi với một thỏa thuận đầu tư không được tiết lộ.
Liệu rằng Cube có thực sự mang đến một làn gió mới cho những nhà phát triển Web 3.0 hay không? Hay so với các đối thủ khác trên thị trường, điều gì ở Cube đã hấp dẫn Huobi đến vậy? Hãy cũng BeInCrypto tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này trong cuộc trao đổi với Bryan Benson (COO của Cube) nhé.
BeInCrypto: Cube có thể được xem như là “tân binh” trong lĩnh vực này. Theo tìm hiểu thì Cube cũng hứa hẹn sẽ mang đến cho người dùng Web 3.0 một blockchain với hiệu năng cao. Trước đó cũng có nhiều blockchain được hình thành để giải quyết các vấn đề về tốc độ cũng như phí giao dịch mà các blockchain “đời đầu” như Bitcoin hay Ethereum đang gặp phải. Tuy nhiên, để giải quyết điều đó thì dường như họ đã phải đánh đổi lại về vấn đề về bảo mật. Trong vai trò là COO của Cube , xin ông cho biết bằng cách nào mà Cube có thể cân bằng được điều này?
Bryan Benson: Chúng ta không phủ nhận tầm ảnh hưởng của Bitcoin hay Ethereum đến các blockchain sau này. Tuy nhiên, chúng cũng chưa thực sự hoàn thiện theo một cách lý tưởng nhất và đây là cơ hội cho các blockchain khác. Phải khẳng định là bản thân Cube cũng không tự phát minh ra một cái gì mới mẻ hoàn toàn. Chúng tôi quan niệm rằng thay vì phải nhọc công xây mới toàn bộ, chúng ta nên tận dụng những điểm tốt của các thế hệ blockchain trước và tìm cách để cải tiến những điểm yếu, mang lại lợi ích cho người dùng và các nhà phát triển Dapp.
Tại Cube, chúng tôi không đánh đổi tính bảo mật của mạng lưới để có được tốc độ giao dịch cao và phí giao dịch thấp. Để làm được điều này, đội ngũ R&D của Cube cũng đã nghiên cứu rất nhiều nền tảng, tiếp xúc với nhiều công nghệ khác nhau để tìm ra cho mình một giải pháp phù hợp cho vấn đề này. Mấu chốt ở đây là việc vào công nghệ Collaborative Rollup, đóng vai trò là công cụ thực thi chính trong mạng lưới.
Bạn có thể hiểu thế này, một số giải pháp Layer 2 của Ethereum sử dụng công nghệ Rollup để tổng hợp giao dịch trước khi ghi chúng lên blockchain gốc. Một trong những công nghệ đó là zero-knowledge rollup (zk-rollup). Với hình thức này, mô hình bảo mật của nó được đặt vào tay một đoạn code gọi là zero-knowledge proof, cho phép chứng minh thông tin mà không cần tiết lộ thông tin đó. Nó khách quan nhưng không phải lúc nào cũng thực sự lý tưởng như chúng ta nghĩ. Cube sử dụng Collaborative Rollup dựa trên sự chứng thực của một nhóm người xác minh (verifier) ngẫu nhiên.
Đương nhiên, chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề tập quyền nếu như mạng lưới chỉ trông chờ vào một người xác minh duy nhất. Câu chuyện sẽ khách quan hơn khi chúng ta có một nhóm tập hợp nhiều người có chức năng xác minh khác nhau và những người này sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên bởi mạng lưới. Mô hình bảo mật này phù hợp với các giả định bảo mật của Polkadot và Ethereum 2.0.
Mặt khác không phải ai cũng có thể trở thành verifier trên Cube. Chúng tôi gắn chặt quyền lợi của những người xác minh này với giá trị mà họ mang lại cho mạng lưới thông qua một khoản tiền đặt cọc nhất định. Bằng cách trao quyền nhưng không bỏ mặc, Cube cũng thiết lập một cơ chế phạt cho trường hợp khi người xác thực bị phát hiện xác nhận kết quả giao dịch không hợp lệ. Sau khi bất kỳ trình xác thực nào gửi xác nhận độc hại đến chuỗi làm bằng chứng về hành vi độc hại, trình xác thực độc hại sẽ mất tiền đặt cọc và một phần tiền đặt cọc sẽ được thưởng cho người xác nhận đầu tiên gửi bằng chứng. Nói cách khác, chúng tôi luôn công bằng với tất cả mọi người khi tham gia.

BeInCrypto: Ngay từ đầu, Cube tự định vị mình là một “miền đất hứa” cho các ứng dụng Web 3.0. Vậy để thu hút các nhà phát triển Web 3.0, xin ông chia sẻ thêm về việc Cube đã, đang hoặc sẽ chuẩn bị những gì để hiện thực hóa tham vọng này?
Bryan Benson: Có thể Cube không phải là một nền tảng tốt nhất đáp ứng mọi yêu cầu của các nhà phát triển nhưng chúng tôi tự tin rằng mình có thể đem lại một môi trường phù hợp nhất cho họ. Cube được xây dựng hướng đến những những trải nghiệm của người dùng và chúng tôi cũng gắn chặt quyền lợi của mình với điều đó.
Ở góc độ của một nhà phát triển hạ tầng, có ba lợi thế chính để Cube thu hút các nhà phát triển Web 3.0 Dapp:
Một là hiệu năng của mạng lưới. Bên cạnh vấn đề bảo mật được bảo trợ bởi công nghệ Collaborative Rollup thì Cube còn là một trong những blockchain có hiệu năng đáng kinh ngạc. Để bạn dễ hình dung hơn thì trong khi Ethereum mất khoảng 10 phút để hoàn thành một giao dịch trong thời gian cao điểm và phí gas có thể lên tới vài trăm đô la thì Cube có thể xử lý khoảng 3.000 giao dịch mỗi giây (TPS) và con số này dự kiến sẽ vượt qua con số 5,000 TPS vào cuối tháng 9/2022. Các yêu cầu về tính khả dụng dữ liệu của Rollup và NFT đảm bảo một giải pháp fullstack hiệu quả và đáng tin cậy cho sự phát triển của Web 3.0.
Hai là Cube Network hoàn toàn tương thích với giao thức Ethereum, hệ thống EVM và Cosmos. Điều đó có nghĩa là bạn có thể phát triển một ứng dụng phát triển trên Cube nhưng đồng thời vẫn có thể tiếp cận được với mạng lưới Ethereum, hỗ trợ di chuyển liền mạch các ứng dụng và dự án trong hệ sinh thái. Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn vừa có thể làm mọi thứ tương tự như trên Ethereum nhưng lại có khả năng thực thi với mức phí thấp và tốc độ giao dịch nhanh.
Ba là trong vai trò một nhà phát triển, Cube mang đến trải nghiệm dành riêng cho họ với việc sử dụng ngôn ngữ Golang và Solidity. Mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn, dễ thao tác hơn trong quá trình phát triển cũng như duy trì sau này.
BeInCrypto: Chúng tôi được biết Cube mới ra mắt mainnet hồi đầu tháng 6 vừa qua. Trong các tài liệu mà Cube cung cấp, dường như có khá nhiều giai đoạn (stage) trong hành trình phát triển của dự án. Ông có thể tiết lộ thêm cho độc giả của BeInCrypto biết một chút về lộ trình này và tính đến thời điểm hiện tại thì nó đang dừng lại ở đâu?
Bryan Benson: Các bạn biết đấy, chúng tôi vừa ra mắt mainnet. Nó vừa là kết thúc một quá trình phát triển của toàn đội ngũ trong suốt thời gian qua đồng thời cũng mở ra nhiều chặng đường đã đặt ra trước đó.
Trước hết, trong Q3/2022, chúng tôi sẽ phát hành một bản nâng cấp mạng lưới lên Chaos Consensus v2.0. Nói thêm một chút về khái niệm Chaos Consensus, tại Cube thì chúng tôi sử dụng giao thức DPOS. Nó dựa trên đồng thuận DPOS và đi kèm với cơ chế lựa chọn ngẫu nhiên cho các nút (node), qua đó cho phép nhiều nút hơn tham gia vào sự đồng thuận và tăng tính phân cấp của hệ thống. Đây sẽ là bàn đạp để Cube có thể tăng hiệu năng của mình lên mức 5,000 vào tháng 9.
Khi đã có một nền tảng dần ổn định, trong Q4/2022, chúng tôi sẽ triển khai các giao thức chuỗi chéo Time-Crossing, cross-chain contracts call… Với Time-Crossing, chúng tôi kỳ vọng có thể đạt được khả năng tương thích hoàn toàn với Cosmos IBC và các chuỗi dựa trên EVM và hệ sinh thái của chúng. Lúc này, hệ sinh thái của Cube sẽ dần được mở rộng và người dùng có thể kết nối liên mạch giữa các blockchain với nhau.
Giai đoạn bốn sẽ diễn ra trong Q1-Q2/2023. Lúc này, Cube sẽ tập trung vào việc xử lý lớp xử lý (settlement) và thực thi (execution) cũng như tích hợp Collaborative rollup và ZK-Rollup. Và giai đoạn cuối cùng dành riêng cho lớp Data Availability. Cube sẽ triển khai các tính năng kỹ thuật quan trọng như phân bổ tính khả dụng của dữ liệu, phân bổ dữ liệu và chống gian lận. Sau khi triển khai thành công các tính năng này, chúng tôi dự kiến sẽ đẩy TPS lên hơn 50,000. Như vậy, chúng tôi sẽ chỉ còn khoảng 1 năm nữa để đạt được đến mốc này.
Một lần nữa xin cảm ơn chia sẻ của Bryan Benson !
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.
