Tiếp tục trong series về DAO và DeFi lending mà BeInCrypto đã giới thiệu trước đó, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm một dự án khác trong lĩnh vực này là MakerDAO.
MakerDAO là gì?
Trước khi bắt đầu, bạn có thể tham khảo thêm bài viết nền tảng về DAO để hiểu rõ hơn về mô hình này. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số mô hình về DeFi lending mà BeInCrypto đã giới thiệu trước đó như Aave hay Compound để có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường này nhé. Còn bây giờ thì hãy quay lại với chủ đề chính của bài viết ngày hôm nay.
Trước hết, chúng ta có thể hiểu MakerDAO đơn giản là một giao thức về vay và cho vay tiền điện tử được phát triển trên mạng Ethereum (ETH). Nghĩa là bạn có thể dùng một loại tiền điện tử làm tài sản thế chấp để vay một loại tiền điện tử khác. Sẽ không có tổ chức trung gian nào đứng ra giám sát hoặc điều phối hoạt động vay và cho vay này.
MakerDAO cho phép bất kỳ ai có ETH (hoặc các tài sản dựa trên Ethereum) và ví MetaMask có thể vay tiền dưới dạng đồng stablecoin DAI. Bằng cách khóa một lượng ETH nhất định trong các hợp đồng thông minh của MakerDAO, người dùng có thể tạo một lượng DAI tương ứng. Điều này đồng nghĩa với việc, người dùng khóa càng nhiều ETH thì lượng DAI tạo ra càng nhiều và ngược lại. Khi người dùng trả lại khoản vay kèm với phí, lượng ETH này sẽ được mở khóa.
Dựa theo dữ liệu từ DeFi Pulse, MakerDAO hiện là Dapp có TVL lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại, vào khoảng 17.09 tỷ USD. Ở vị trí thứ 2 là Aave với 11.17 tỷ USD và tiếp theo là InstaDApp với 10.32 tỷ USD.
1. Đồng stablecoin DAI là gì?
DAI là một đồng tiền ổn định được neo giá ở mức 1 USD. Theo dữ liệu thống kê từ CoinGecko, vốn hóa của DAI tại thời điểm viết bài vào khoảng 9.3 tỷ USD, xếp thứ 5 trên thị trường dựa theo vốn hóa.
Tuy nhiên, trên thực tế, sẽ có những thời điểm giá DAI biến động xoay quanh vùng này. Dưới đây là một số cách giúp DAI đạt được sự ổn định này. Cụ thể như sau:
- Lượng tài sản thế chấp trong Maker Vault có giá trị hơn khoản nợ DAI toàn cầu.
- Khi DAI < 1 USD, các nhà giao dịch hoàn trả vị thế trong Vault của họ dẫn đến làm giảm cung DAI.
- Khi DAI > 1 USD, các nhà giao dịch mở vị thế trong Vault và làm tăng nguồn cung DAI.
Việc các nhà giao dịch chênh lệch giá mở và đóng các vị trí Vault ảnh hưởng trực tiếp đến tổng cung DAI. Nếu có nhiều nhà giao dịch trả lại các vị thế ở Vault nhiều hơn là mở chúng, DAI sẽ bị loại khỏi nguồn cung để tăng độ khan hiếm, để đẩy giá của mỗi DAI trở lại mức chốt 1 USD. Khi điều ngược lại xảy ra, DAI mới được tạo ra làm gia tăng nguồn cung để đẩy giá xuống mức 1 USD.
2. Mô hình MakerDAO hoạt động như thế nào?
Mô hình DeFi lending của MakerDAO hoạt động với 4 bước sau đây:
- Người dùng gửi tiền điện tử được hỗ trợ (thế chấp) vào giao thức Maker: Vì tiền điện tử có biến động giá rất lớn nên người dùng sẽ cần phải thế chấp một lượng tiền nhiều hơn số tiền họ vay, ít nhất là 150%. Lấy ví dụ, để vay được 10 DAI thì người dùng cần thế chấp số ETH tương đương với 15 DAI chẳng hạn.
- Khoản tiền gửi sẽ mở một vị thế Vault: Khi người dùng gửi tài sản thế chấp vào Maker, họ đồng thời mở một vị thế Vault. Điều này sẽ cung cấp cho họ tùy chọn rút DAI đối với tài sản thế chấp đó.
- Người dùng có thể rút DAI được xác định bằng số tiền thế chấp: Sau khi bạn rút tiền, các token DAI sẽ được đúc (mint) và đưa vào nguồn cung lưu hành tổng thể.
- Để lấy lại tài sản thế chấp trước đó, hãy hoàn trả DAI đã rút: Khi người dùng hoàn trả vị thế Vault của mình, số tiền DAI gắn với vị thế đó sẽ bị phá hủy và bị loại bỏ khỏi nguồn cung.
3. Đội ngũ phát triển và lịch sử MarkerDAO
Dự án MakerDAO được bắt đầu vào năm 2015 bởi Rune Christiansen với tên gọi Maker Foundation. Tầm nhìn của Christiansen ngay từ thời gian đầu là tạo ra một hệ thống tài chính phi tập trung (DeFi) sẽ được điều hành bởi cộng đồng người dùng và bằng cách đó, giúp người vay kiểm soát nhiều hơn tài sản của họ, ngay cả trong những trường hợp bất khả kháng như tỷ lệ lạm phát cao xảy ra ở một quốc gia nào đó…
Theo thời gian, Maker Foundation đã nhượng lại quyền kiểm soát giao thức Maker, chuyển giao quyền sở hữu hoàn toàn và trở thành một tổ chức tự trị phi tập trung (DAO). DAO bao gồm các cá nhân trên khắp thế giới nắm giữ token quản trị MKR của MakerDAO. Những người sở hữu MKR có quyền bỏ phiếu cho các thay đổi đối với mạng.
Token MKR của MakerDAO
1. Thông tin về token MKR
Token của Maker (MKR), là một dạng token quản trị, hiện có tổng cung là 1,005,577 MKR. MKR được sử dụng để bỏ phiếu trong các vấn đề quản trị MakerDAO. Bất kỳ ai nắm giữ token MKR đều có thể tham gia bỏ phiếu để duy trì hoặc thay đổi hoạt động của giao thức.
MKR là dạng token theo chuẩn ERC-20, được tạo hoặc đốt tùy thuộc vào mức độ neo giá của stablecoin DAI với đồng đô la Mỹ. Việc tạo ra MKR mới phụ thuộc vào sự ổn định của DAI.
- Nếu DAI vẫn ổn định, nhiều MKR bị đốt đi làm giảm tổng nguồn cung.
- Nếu DAI dao động quá xa so với mức chốt một đô la, thì càng nhiều MKR được tạo ra, làm tăng tổng cung.
2. Sàn giao dịch, ví lưu trữ đồng MKR
- Xét về giá, giá trị hiện tại của MKR coin là 2,177.43 USD tại thời điểm viết bài. Mức giá này đã tăng 1,181% so với thời điểm ngày 16/3/2020. Tuy nhiên, mức giá hiện tại đã thấp hơn 65.7% so với mức đỉnh ngày 3/5/2021 vừa qua (6,292.31 USD).
- Sàn giao dịch: Trước hết, người dùng có thể mua token MKR trên các sàn DEX như Uniswap v3 hay Balancer,… Ngoài ra, họ cũng có thể mua MKR thông qua các sàn CEX lớn như Binance, Huobi Global, FTX hay Coinbase,…
- Ví lưu trữ: Người dùng có thể lưu trữ MKR trên ví nóng của các sàn CEX kể trên. Hoặc họ cũng có thể tìm đến các ví không lưu ký khác như MetaMask hay Trust Wallet,… Để an toàn hơn, họ cũng nên cân nhắc đến các ví lạnh như Ledger hay Trezor hiện có bán trên thị trường.
Lời kết
MakerDAO là một dự án DeFi nằm trong số các giao thức đầu tiên trong lĩnh vực này. Với một cộng đồng các nhà phát triển mạnh mẽ và hiệu quả cùng hàng trăm quan hệ đối tác, MakerDAO đã trở thành người tiên phong trong phong trào tài chính phi tập trung. Nếu giao thức tiếp tục trên con đường hiện tại của nó và ETH tiếp tục là một loại tiền điện tử có giá trị, thì chắc chắn rằng MakerDAO có một tương lai tươi sáng.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là MakerDAO hoàn toàn không có rủi ro. Rủi ro lớn nhất là giá ETH có thể sụp đổ, khiến tất cả tài sản thế chấp trong hệ sinh thái Maker trở nên vô giá trị. Ngoài ra còn có rủi ro là số lượng các khoản nợ khó đòi và không trả được nợ có thể tăng lên đến mức giá của các mã thông báo MKR giảm xuống.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về dự án MakerDAO, token MKR và đồng ổn định DAI. hi vọng bài viết này đã mang đến cho độc giả của BeInCrypto những kiến thức cần thiết. Hãy tham gia nhóm Telegram của chúng tôi để cập nhật thêm những bài viết về chủ đề DAO cũng như các lĩnh vực khác nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản một cách thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Người đọc tự trách nhiệm với bất kỳ hành động nào thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi.
Tại Learn, ưu tiên của chúng tôi là cung cấp thông tin chất lượng cao. Chúng tôi dành thời gian để xác định, nghiên cứu và tạo ra nội dung giáo dục hữu ích cho độc giả.
Để duy trì tiêu chuẩn này và tiếp tục tạo ra nội dung tuyệt vời, các đối tác của chúng tôi có thể thưởng cho chúng tôi một khoản hoa hồng cho các vị trí trong bài viết của chúng tôi. Tuy nhiên, những khoản hoa hồng này không ảnh hưởng đến quy trình tạo nội dung không thiên vị, trung thực và hữu ích của chúng tôi.