Câu chuyện ETF đã làm lu mờ mối quan tâm của nhà đầu tư về những yếu tố vĩ mô vốn được rất nhiều phân tích nhấn mạnh trước đây. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều chuyên gia và báo cáo đề cập đến ảnh hưởng của chúng.
Sau đây là những ghi nhận từ BeInCrypto về những yếu tố vĩ mô này.
Đường cong lợi suất đảo ngược đạt mức kỷ lục về số ngày giao dịch liên tiếp
Đường cong lợi suất đảo ngược là khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn. Thông thường lãi suất dài hạn sẽ cao hơn ngắn hạn, nhưng khi nó “đảo ngược” nghĩa là nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế (Hoa Kỳ) sẽ suy thoái trong tương lai.
Đường cong lợi suất đảo ngược là một trong những chỉ báo chính được các phân tích sử dụng để dự đoán và cảnh báo về suy thoái. Biểu đồ dưới đây thống kê số ngày giao dịch liên tiếp mà lợi suất đảo ngược, giữa kỳ hạn 10 năm và 3 tháng.
- Trong 7 đợt suy thoái gần đây, thì tín hiệu chênh lệch lợi suất đảo ngược giữa 3 tháng và 10 năm đều đã dự đoán đúng. Trong khi đó, giai đoạn năm qua, số ngày giao dịch liên tiếp mà đường cong lợi suất – được đo bằng lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng – bị đảo ngược, đã đạt mức kỷ lục.
- Trong 6 cuộc suy thoái gần đây, trung bình một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu từ 6 đến 36 tháng sau khi đường cong lợi suất đảo ngược. Với sự khắc sâu về chênh lệch lãi suất và thời gian kéo dài kỷ lục gần cả năm như trên, thì đó là một tín hiệu cảnh báo suy thoái đáng chú ý.
Mới đây, Jeffrey Gundlach, CEO hãng đầu tư DoubleLine Capital còn được mệnh danh là “vua trái phiếu”, đã dự đoán khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nghiêm trọng trong năm nay, từ tín hiệu trên.
Chương trình Bank Term Funding Program (BTFP) có thể không được gia hạn?
Hãy trở lại giai đoạn tháng 3/2023 với tâm điểm tài chính lúc đó là cuộc khủng hoảng các ngân hàng Hoa Kỳ mà điểm nhấn và sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank, và hàng loạt các ngân hàng mất khả năng thanh toán như First Republic Bank, Signature Bank, Silvergate Bank và Heartland Tri-State Bank.
Lúc đó, chương trình Bank Term Funding Program (BTFP) được FED tạo ra để cung cấp thanh khoản cho các tổ chức tiền gửi đang trong tình trạng thanh khoản “hấp hối”. Chương trình này cung cấp các khoản vay có thời hạn lên đến một năm cho các ngân hàng. BTFP trở thành một nguồn thanh khoản bổ sung giúp các tổ chức (đang gặp vấn đề thanh khoản) không cần phải bán tháo các tài sản (hoặc chứng khoán) trong thời điểm căng thẳng khi đó.
Biểu đồ sau cho thấy số tiền FED cho các ngân hàng vay thông qua Discount Window và BTFP. Kể từ ngày 1/11/2023, số dư BTFP (đường màu xanh lam) đã tăng 30%, trong khi về cơ bản là không đổi trong ba tháng trước đó. Nâng số dư chương trình BTFP lên hơn 140 tỷ USD.
Nhờ chương trình này, FED có thể tiếp tục nâng lãi suất trong nổ lực kiềm chế lạm phát mà không làm gia tăng các khoản lỗ từ trái phiếu các ngân hàng thương mại. Có thể nói, lượng tiền được bơm vào thị trường đã góp phần không nhỏ vực dậy tinh thần nhà đầu tư và ảnh hưởng tích cực đến thị trường rủi ro như Crypto. Nếu ai theo dõi giá BTC thường xuyên, sẽ không quên cú pump mạnh hồi ngày 12/3/2024.
Câu hỏi quan trọng đặt ra lúc này là, BTFP sẽ còn được tiếp tục gia hạn tháng 3 tới hay không? Theo The Wall Street Journal, một quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Federal Reserve) đã cho biết rằng chương trình này có thể sẽ không được gia hạn và sẽ kết thúc vào giữa tháng 3/2024. Nếu điều này là thật, nó sẽ là bài kiểm tra sức khỏe thanh khoản thật sự của các ngân hàng sau một năm.
Bạn nghĩ sao về những tín hiệu vĩ mô trên? Chia sẻ ngay ý kiến của bạn trong cộng đồng của chúng tôi Telegram chat | Telegram channel | Facebook fanpage.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.