Huế đang trở thành địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực phát triển và bảo tồn di sản văn hóa. Trong năm 2024, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã xây dựng không gian ảo Metaverse kết hợp RWA để bắt đầu đưa vào thử nghiệm phục vụ người tham quan.
Sau đây là những ghi nhận và trải nghiệm từ BeInCrypto về không gian Metaverse này.
Xem thêm: Những ví dụ ứng dụng thực tiễn công nghệ blockchain tại Việt Nam
Metaverse được ứng dụng trong việc tham quan bảo tàng
Theo Baotintuc – kênh thông tin của Thông Tấn Xã Việt Nam – Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã kết hợp với Công ty Cổ phần Phygital Labs để xây dựng không gian triển lãm số “museehue.vn”. museehue.vn được xây dựng như một bảo tàng số, mà trong đó người tham quan đóng vai nhân vật ảo và tham quan một không gian ảo (Metaverse) như đang trong một trò chơi nhập vai.
Trong giai đoạn hiện tại, không gian ảo này bao gồm 10 hiện vật quý giá có nguồn gốc từ các thời nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, hiện thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Với cách triển lãm số như vậy, khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới không cần phải đến Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tìm hiểu thông tin chi tiết về mỗi hiện vật, từ nguồn gốc đến ý nghĩa lịch sử, ngắm nhìn hình ảnh 3D trực quan, sinh động.
Theo Phygital Labs, triển lãm số này còn cho phép người dùng có trải nghiệm đa giác quan trên nhiều thiết bị điện tử hiện đại, bao gồm kính thực tế ảo Apple Vision Pro, Meta Quest. Ông Nguyễn Huy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phygital Labs – tiết lộ đến cuối năm 2024, số hiện vật sẽ tăng lên nhiều hơn thêm 98 hiện vật.
RWA hỗ trợ bảo tàng trong việc tăng doanh thu và quảng bá văn hóa
Không dừng lại ở việc xây dựng không gian thực tế ảo, Bảo tàng còn đang lên kế hoạch phân phối các món đồ lưu niệm là bản sao cổ vật triều Nguyễn có chứng thực. Đây là một giải pháp RWA (Real World Asset) được triển khai để số hóa tài sản thế giới thực, đảm bảo bản sao lưu niệm là “chính chủ” của Bảo tàng và có thể thương mại nó trên các chợ số hay chợ vật lý số.
Theo tìm hiểu của BeInCrypto, giải pháp RWA này được triển khai bằng cách gắn một một chip NFC trên mỗi cổ vật, chip này có chức năng mã hóa dữ liệu, chống làm giả, đảm bảo sự độc bản liên kết 1 – 1 giữa phiên bản số và phiên bản vật lý. Phiên bản số của cổ vật sẽ hoạt động như một NFT sử dụng công nghệ blockchain.
Khi đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ là đơn vị có đủ uy tín và khả năng cấp chứng nhận bản quyền đối với các bản sao lưu niệm dạng số hóa này. Du khách sẽ cảm thấy có giá trị khi sở hữu các NFT chính chủ như thế, ngoài ra cơ quan quản lý di sản lại có thêm doanh thu thông qua phí bản quyền trên mỗi sản phẩm bán ra.
Huế đang là địa phương thử nghiệm và đi đầu, trong bối cảnh mà hành lang pháp lý trong việc giao dịch sản phẩm số có ứng dụng blockchain vẫn chưa rõ ràng.
Hy vọng trong thời gian tới, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ khơi thông điểm nghẽn, tạo hành lang rộng mở, thuận lợi về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư tham gia khai thác nguồn tài nguyên di sản.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung nhận định.
Tham gia Cộng đồng BeInCrypto trên Telegram để tìm hiểu về các bài phân tích kỹ thuật, thảo luận về tiền mã hóa và nhận câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của bạn từ các chuyên gia và nhà giao dịch chuyên nghiệp của chúng tôi nhé.
Tất cả thông tin có trên trang web của chúng tôi được xuất bản với thiện chí và chỉ dành cho mục đích thông tin chung. Bất kỳ hành động nào người đọc thực hiện đối với thông tin được tìm thấy trên trang web của chúng tôi, họ cần phải đánh giá lại và hoàn toàn chịu rủi ro từ quyết định của chính họ.